Khánh Hòa thí điểm nuôi biển công nghệ cao
Lễ phát động do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tổ chức tại vùng nuôi trồng thủy sản phường Cam Lập, TP Cam Ranh.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, việc đưa vào thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở nhằm cụ thể hóa Đề án Thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa. Việc thí điểm góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái; từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị với định hướng, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển ra xa bờ với phương thức quản lý hiện đại…
Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa sẽ góp phần bảo vệ môi trường |
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, để nhân rộng mô hình thí điểm này, bên cạnh triển khai những chính sách đã ban hành, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm những chính sách đặc thù khác hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE. Tỉnh hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho đối tượng thuỷ sản nuôi trên biển; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi biển hở...
Đồng thời, đồng chí mong muốn, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ ngư dân trong tỉnh triển khai thêm nhiều mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển hở của tỉnh; Từ đó, tìm ra mô hình tối, mang lại hiệu quả nhất, để nhân rộng, phát triển nuôi biển công nghệ cao tại các địa phương trong tỉnh…
Lồng nuôi HDPE thủy sản vùng biển hở ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. |
Mô hình lồng HDPE được thí điểm tại vùng biển hở của tỉnh Khánh Hoà lần đầu tiên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị được giao chủ trì triển khai, bảo đảm chuyên môn, tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển của địa phương. Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup đồng hành hỗ trợ ngư dân tham gia chương trình về mặt tài chính với hình thức đối ứng theo tỷ lệ phù hợp.
Theo đó, 10 hộ dân sẽ được Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ vật liệu HDPE, cùng hệ thống tự động hóa hiện đại. Các lồng nuôi đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử; các mô hình nuôi sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp. Sau giai đoạn thí điểm một năm, đề án có tổng kết, đánh giá, làm cơ sở tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hoà, Tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục đồng hành với ngư dân tỉnh Khánh Hoà trong việc đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị kinh tế, phát huy thế mạnh thuỷ hải sản của địa phương. Thời gian thực hiện mô hình thí điểm là 1 năm. Sau đó, tỉnh sẽ tổng kết, đánh giá chương trình.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (áo xanh) và ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (áo trắng) thả tôm giống |
Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao là kết quả đột phá của định hướng phát triển nuôi biển hở trên địa bàn tỉnh bao gồm: kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại và đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động số 30-Ctr/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Kế hoạch số 10823/KH-UBND về triển khai Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với việc triển khai Đề án, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cho người nuôi, cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi biển hở. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đang xây dựng và hoàn thiện một hệ thống giám sát và quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nuôi biển hở. Hệ thống này bao gồm việc xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về nuôi biển hở, quy định về quản lý, sử dụng vùng biển nuôi, cũng như việc xây dựng các phương án ứng phó khi có sự cố, bảo vệ môi trường biển.
Dự kiến, Đề án sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.Ngoài ra còn đóng góp vào việc phát triển kinh tế biển của Khánh Hoà, giúp tỉnh tận dụng tốt nhất nguồn lợi thủy sản. Đề án cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển, qua việc áp dụng công nghệ cao, tiếp cận tiến bộ khoa học trong nuôi biển.