Khép lại mùa lễ hội thành công hơn cả mong đợi
Loạt hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 kéo dài thêm 2 ngày |
Đến dự Lễ bế mạc, về phía đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc có ông Jonathan Baker, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Về phía cơ quan Trung ương có các ông: Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội; Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về phía thành phố Hà Nội có bà Vũ Thu Hà - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Về phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có ông Đặng Sỹ Mạnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng thành viên. Về phía các hội có ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.
Tiết mục trình diễn thời trang |
Ngoài ra, lế bế mạc còn có đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố Hà Nội; các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp; các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà thiết kế, nhà sáng tạo tham gia đồng hành tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023...
Ông Jonathan Baker, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao trao chứng nhận vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội |
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 17 - 28/11/2023 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố. Lễ hội do UBND thành phố Hà Nội - Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) và phối hợp của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tổ chức liên quan.
Lễ hội có sự tham gia đồng hành của các đơn vị tài trợ, và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tổ chức văn hóa giáo dục và ngoại giao, các trường đại học, viện đào tạo, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và giới sáng tạo Hà Nội.
Ông Jonathan Baker, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao trao chứng nhận vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội |
Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô; tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 thành công nhờ sự đóng góp tâm huyết của các đơn vị tổ chức, chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế... |
Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm.
Lễ hội tập trung vào chủ đề chính “Dòng chảy” nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững.
Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã mang lại thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp Nhân dân. Các hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, hội nghị, hội thảo diễn ra tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người.
Đáng chú ý là lễ khai mạc diễn ra tối 17/11 với sự công phu, hoành tráng, đặc biệt chương trình nghệ thuật “Dòng chảy” được trình diễn theo phong cách thực cảnh và sân khấu đương đại vừa chuyển tải được văn hóa nghìn năm vừa toát lên tinh thần sáng tạo Hà Nội.
Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội thu hút sự tham gia của các đại biểu nước ngoài là các thành phố thành viên của mạng lưới tại ASEAN và các thành phố có sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ Hà Nội tích cực trong khu vực Châu Á.
Tọa đàm quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” có sự tham dự của 3 thành phố sáng tạo Vương quốc Anh đã tham vấn nhiều giải pháp tích cực để Hà Nội phát triển Thành phố sáng tạo.
Hội thảo: “Đề án xây dựng công viên văn hoá cảnh quan bãi giữa sông Hồng - Tầm nhìn và giải pháp” do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc, UN- HABITAT và các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên tổ chức đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình hành các không gian xanh, an toàn, tiện ích nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phong phú đã được người dân đánh giá cao như: Tổ chức không gian nghệ thuật tại tháp nước Hàng Đậu, tổ chức tuyến tàu “Hành trình di sản”, hành trình thời trang Hà Nội “Sáng tạo từ di sản”…
Lần đầu tiên một lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của Lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.
12 ngày diễn ra lễ hội, có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu.
Cùng với đó, lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội.
Đồng hành với lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm; 90 cơ quan báo chí với hơn 1000 tin, bài viết tuyên truyền.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Quy mô, các hoạt động của lễ hội đã tạo hiệu ứng lớn. Bên cạnh các hoạt động, sự kiện nằm trong chương trình tổ chức, lễ hội còn hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân khác đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Điển hình như, khóa nghệ thuật trực tiếp dành cho trẻ đặc biệt “Khám phá dòng chảy” do doanh nghiệp xã hội Tofhe, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và SOVICO cùng chủ trì tổ chức; chương trình nghệ thuật cồng chiêng “Ngẫu hứng đại ngàn” do các nghệ nhân Bahnar và Jrai (tỉnh Gia Lai) trình diễn...
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 nhận được sự đồng hành của VPBank tài trợ giải thưởng cho các nghệ sỹ tham gia chương trình 2023; đồng thời là đơn vị đồng tổ chức lễ hội trong năm 2024, đã mở ra mô hình hoạt động đối tác công tư trong thời gian tới.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 không chỉ có sự đóng góp tâm huyết của các đơn vị tổ chức, chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo mà còn có sự đóng góp công sức không mệt mỏi đến những đội ngũ thiết kế trong vận hành, các sinh viên, tình nguyện viên, đội ngũ vệ sinh môi trường, các công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đơn vị thành viên của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, các đơn vị của quận Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm…
Tất cả cùng nhau đồng hành để tạo nên sân chơi sáng tạo, kết nối các nhà sáng tạo đem lại cho công chúng Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc sắc. Thông qua đó, lễ hội đã khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau, hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội.