Khó cải thiện tình trạng nhiều phương tiện lấn làn buýt nhanh BRT
Xe máy vô tư lấn làn buýt nhanh BRT
Bài liên quan
Hà Nội: Nan giải bài toán giao thông công cộng
Hà Nội sẽ mở nhiều tuyến buýt kết nối các khu vực ngoại thành
Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn
Cách đây 2 năm, khi Hà Nội triển khai mô hình xe buýt nhanh BRT với hy vọng dùng hệ thống giao thông công cộng giảm tải cho các tuyến đường và giải quyết nhu cầu đi lại đang ngày một tăng thêm của người dân.
Một trong những điều kiện tiên quyết để xe buýt BRT vận hành hiệu quả là làn đường dành riêng, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian chuyến đi. Tuy nhiên, thời gian qua, làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT thường xuyên bị lấn chiếm, bởi nhiều loại phương tiện.
Ghi nhận thực tế, vào các giờ cao điểm từ 7 – 9 giờ sáng và 17 giờ – 18 giờ 30 phút chiều, ngay trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các phương tiện tràn cả vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT.
Tình trạng cũng xảy ra tương tự tại nút giao khác như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương; tuyến Láng Hạ - Giảng Võ… Vào khung giờ cao điểm, giao thông ùn ứ, chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực nhà chờ, phóng viên đã ghi nhận nhiều ô tô, xe máy ngang nhiên đi vào làn đường dành cho xe buýt BRT.
Đáng nói là không chỉ có các khung giờ cao điểm, mà bất cứ thời gian nào trong ngày cũng có thể ghi nhận tình trạng các phương tiện vô tư lấn làn buýt nhanh, như chẳng hề có những quy định xử phạt hay các tấm biển cấm. Theo số liệu trích xuất từ camera đặt trên đường Quang Trung (Hà Đông), bình quân trong 1 giờ trong ngày có 707 phương tiện chạy vào làn BRT trên đường Tố Hữu, trong đó có trên 85% phương xe máy, khoảng 10% là ô tô con…
Hệ lụy nhãn tiền là buýt nhanh BRT trở thành… xe buýt chậm. Yêu cầu đảm bảo khung thời gian 40-45 phút hoàn thành xong một chuyến BRT là rất khó để thực hiện. Trong các khung giờ cao điểm hầu hết các xe phải cần tới 60 -65 phút mới có thể về đến bến cuối.
Lái xe Trần Hữu Tiến (Xí nghiệp xe buýt nhanh, Tổng công ty vận tải Hà Nội) cho biết, việc ôtô, xe máy cố tình đi vào làn BRT là... "chuyện thường ngày ở huyện".
Anh Tiến cho biết, vào giờ cao điểm đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều thì buýt nhanh gần như chẳng khác gì buýt chậm. Lý do là phía trước lúc nào cũng có phương tiện khác cản đường khiến BRT chỉ có thể chạy với tốc độ 30-35km/h.
“Thực ra những ngày đầu khi thấy tình trạng này, lái xe chúng tôi cũng rất bực bội do không thể đảm bảo thời gian chạy xe như quy định. Song tôi nghĩ đó là thói quen của người dân và để thay đổi không thể trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm triển khai buýt BRT mà những vi phạm đó vẫn đâu vào đấy thì chỉ có thể nói là họ cố tình mà thôi. Bởi họ chạy vào làn BRT bất cứ lúc nào họ thích, kể cả giờ thấp điểm và đường khá vắng” – anh Tiến than thở.
Làm nhiệm vụ trên tuyến đường Lê Văn Lương, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội, tổ Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội phát hiện nhiều phương tiện giao thông điều khiển đi vào làn BRT. Chỉ tính riêng Đội Cảnh sát giao thông số 7 từ đầu năm đến nay đã xử phạt gần 200 trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy vi phạm lỗi đi vào đường BRT.
Điều đáng nói là các chủ phương tiện đều phân trần, do đường đông, trong khi tuyến đường BRT lại vắng nên mới điều khiển phương tiện vào làn đường này để di chuyển.
Được biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội tại một số tuyến đường đã được lắp đặt camera tự động để tiến hành chụp ảnh tự động các hành vi vi phạm giao thông. Từ hệ thống camera chụp tự động, CSGT sẽ tiến hành rà soát, in hình ảnh vi phạm, chuyển cho tổ cảnh sát phía trên xử lý hoặc nếu lưu lượng trên tuyến đó đông thì CSGT sẽ gửi thông báo, mời chủ phương tiện đến làm việc, phạt “nguội”.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội từ đầu năm đến nay, qua hệ thống camera ghi lại được 1.700 trường hợp vi phạm giao thông. Đến nay, đã có 1.200 trường hợp người điều khiển phương tiện chấp hành xử phạt, trong đó, lỗi đi vào làn BRT chiếm tỷ lệ lớn.
Qua trích xuất camera cho thấy, mỗi ngày, hàng loạt các trường hợp tài xế đi vào làn xe buýt nhanh BRT. Thậm chí nhiều người còn liên tiếp vi phạm.Thậm chí, đã có tài xế, một tháng “dính” gần chục lần vi phạm, phải nộp phạt cả chục triệu đồng chỉ vì lỗi vi phạm này.
Tổ phó tổ Xử lý vi phạm, Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội Nguyễn Đăng Biểu cho biết, nhiều tài xế rất chủ quan với lỗi vi phạm này, có người còn nghĩ, vi phạm nhiều lần thì cũng xử lý một lần thôi. Nhưng theo quy định, với lỗi “Điều khiển xe đi không đúng làn đường quy định”, xe khách sẽ bị xử phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng, ngoài ra còn tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Nếu tài xế vi phạm lần đầu thì bị phạt tiền mức trung bình 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng. Nhưng nếu tái phạm lỗi này, tài xế sẽ bị áp dụng mức phạt kịch khung 1,2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng theo quy định, tức cộng dồn 2 lần vi phạm thì tài xế sẽ bị phạt tới 2.200.000 đồng. Có những phương tiện vi phạm liên tiếp 2 - 3 lần trong tuần thì sẽ bị xử lý lần sau ở khung cao nhất theo quy định hiện hành.
Theo các chuyên giao giao thông, ngoài nguyên do ý thức người dân khi tham giao giao thông còn nhiều hạn chế, thì chính hạ tầng cơ sở bất cập cũng khiến việc cải thiện thực trạng trên gặp khó khăn.Ngoài ra còn do sự thiếu quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của BRT.
Còn nhớ tại thời điểm buýt BRT mới khai trương, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết sẽ đề xuất Sở GTVT cùng UBND thành phố cho thí điểm tách làn BRT bằng giải phân cách cứng nhằm giảm xung đột với các làn xe khác. Đến nay, không biết vì lý do gì, việc này chưa thực hiện được và tình trạng lấn làn vẫn không hề giảm.
Thực tế ở nhiều nước phát triển, nhờ được ưu tiên, các phương tiện công cộng thể hiện rõ sự ưu việt so với phương tiện cá nhân, nên phần lớn người dân đã chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Để BRT phát huy hiệu quả, chứng tỏ ưu thế, các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, giúp BRT mới phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực giảm ùn tắc giao thông.