Khơi thông nguồn lực, phát huy giá trị các "địa chỉ đỏ" trong phát triển du lịch
Chiều 27/7, đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” năm 2023 tại huyện Gia Lâm.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06- CTr/TU, chủ trì buổi kiểm tra, đánh giá. Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị |
Điểm sáng phát triển du lịch của thành phố
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06- CTr/TU cho biết: Chương trình 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô; Góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa người Hà Nội nghìn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch, văn minh; Bảo tồn, tôn tạo di tích, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại.
Các kết quả trong việc thực hiện chương trình, cùng những đánh giá, góp ý và định hướng của đại diện Sở, ban, ngành sẽ giúp huyện Gia Lâm có giải pháp hiệu quả, tiếp tục thực hiện chương trình, phát huy tiềm năng của địa phương.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU |
Tại đây, đoàn công tác đã nghe báo cáo của UBND huyện Gia Lâm về việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện chương trình; Về phát triển văn hóa; Xây dựng môi trường văn hóa - phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả; Đặc biệt là đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025”; Kế hoạch số 86 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025, định hưởng đến năm 2030”…
Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm, Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 40-KH/HU ngày 9/7/2021 về triển khai 10 Chương trình công tác của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII gắn với 5 Chương trình công tác của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 10/9/2021 về việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025”.
Các chương trình, kế hoạch đã cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những chương trình mục tiêu, đề án; Chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; Quyết tâm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm phát biểu tại buổi làm việc |
Đáng chú ý, huyện Gia Lâm đã triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025”; Kế hoạch số 86 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền các văn bản liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa; Quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hiện đài phát thanh huyện, cổng thông tin điện tử huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn đã thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về di sản. Các nhà trường lồng ghép giảng dạy về lịch sử địa phương, tổ chức cho học sinh tham quan và học tập về lịch sử ở các di tích, làng nghề truyền thống, khu trải nghiệm trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm |
Huyện cũng đã biên soạn và phát hành cuốn sách “Gia Lâm - Những nhân vật nhân vật lịch sử tiêu biểu” tập 1; Sổ tay du lịch “Gia Lâm - Điểm đến của bạn bè bốn phương”; Xây dựng không gian truyền thống huyện Gia Lâm và số hóa kết hợp thuyết minh tự động; Biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; Xây dựng và vận hành cổng thông tin du lịch, app du lịch Gia Lâm để tuyên truyền và quảng bá di sản, phát triển du lịch địa phương...
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo các phòng, ban, huyện và địa phương, huyện Gia Lâm hiện nay đã trở thành điển hình của thành phố về công tác số hóa di tích, phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ” trong phát triển du lịch.
Điển hình về số hóa di tích
Ông Nguyễn Tiến Việt cũng cho hay, huyện Gia lâm đã chú trọng vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã rà soát, thống kê nhu cầu đầu tư tu bổ, tôn tạo đối với 61 di tích.
Huyện Gia Lâm cũng quan tâm chỉ đạo kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Đến nay, toàn huyện có 253/320 di tích được UBND thành phố đưa vào danh mục kiểm kê; 163/320 di tích được xếp hạng các cấp (1 khu di tích quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm; 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 89 di tích xếp hạng cấp thành phố); 20 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến (17/20 điểm đã được gắn biển).
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội phát biểu |
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội: Cần tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ 3D trong phát triển du lịch. Để đạt được hiệu quả hơn nữa, huyện Gia Lâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 3D để góp phần phát triển du lịch huyện. Công nghệ 3D góp phần truyền tải nét đẹp phong cảnh, văn hóa nghệ thuật của địa phương, truyền cảm hứng tới khách du lịch thông qua trải nghiệm trực quan, chân thực bằng công nghệ 3D, giúp du khách có hướng nhìn tổng quan về các điểm đến du lịch. Trong khi đó, rất nhiều bà con cũng có nhu cầu đi du lịch gần, có thể tiết kiệm chi phí máy bay, tàu xe... Gia Lâm có nhiều thuận lợi về địa thế và các điểm du lịch, nên có thể tăng cường hơn nữa việc chuyển đổi số để phát huy tốt các "địa chỉ đỏ" trên địa bàn. |
Huyện cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa; Thực hiện kiểm kê hiện vật, lập hồ sơ khoa học tại 221 di tích; Dập, dịch các tư liệu Hán Nôm tại 121di tích; Tích hợp thuyết minh tự động, giới thiệu về di tích bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh) qua QR Code và App GiaLam Audio Guide đối với 105 di tích.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, huyện cũng quan tâm chỉ đạo bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như tư liệu hóa, trình diễn giới thiệu tại Lễ hội Đền Hùng năm 2023; Xây dựng trích đoạn đối với Lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lập hồ sơ đề nghị và đã có 3 di sản là: Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức) gắn với Đức thánh Chử Đồng Tử, nghề truyền thống gốm sứ làng Bát Tràng, nghề dát vàng bạc quỳ làng Kiêu Kỵ đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia...
Tiếp tục "khơi thông" tiềm lực
Đánh giá về việc phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch của huyện, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, Gia Lâm chính là điểm sáng của du lịch Hà Nội.
Huyện đã có những kế hoạch bài bản, đặc biệt là Kế hoạch 35 và các chỉ đạo của huyện rất liền mạch, có thời gian, mục tiêu cụ thể. Cách làm tích hợp thuyết minh tự động, giới thiệu về di tích bằng 2 thứ tiếng rất sáng tạo.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng góp ý, huyện Gia Lâm cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch làng nghề Bát Tràng.
Ông Hiếu cũng đề nghị: "Huyện Gia Lâm nên tiếp tục quan tâm, phát huy giá trị di tích đã được công nhận, đặc biệt là 2 điểm du lịch chất lượng cao; Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch gắn với làng nghề; Chủ động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương; Quan tâm quy hoạch, hệ thống lưu trú 4-5 sao trên địa bàn.
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai bộ du lịch làng nghề Hà Nội; Phối hợp với huyện triển khai điểm du lịch trên địa bàn Văn Đức, Ninh Hiệp, hướng dẫn cơ sở kinh doanh của Bát Tràng nâng cao chất lượng du lịch".
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Cần xây dựng chuẩn mực người Gia Lâm. Huyện Gia Lâm cần khơi thông tất cả các nguồn lực, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ quan tâm văn hóa đọc, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và có cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, huyện cần đưa vào phương hướng nhiệm vụ tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa cụ thể, trước hết là xây dựng gia đình văn hóa, quy tắc ứng xử; Xây dựng chuẩn mực người Gia Lâm trong tiêu chí chung xây dựng người HN văn minh, từ đó góp phần hiệu quả vào việc thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy. |
Phân tích về điểm mạnh và hạn chế của Gia Lâm trong việc thực hiện chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng ý với nhiều ý kiến: Tiến độ thực hiện một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác gắn biển di tích cách mạng kháng chiến thuộc thẩm quyền thành phố triển khai chậm.
Tuy vậy, mới ở giữa nhiệm kỳ nhưng huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả, chỉ tiêu ấn tượng. Đặc biệt, trong công tác kiểm kê di tích, hiện huyện đã có 320 di tích và đầu tư rất nhiều cho thiết chế văn hóa như bể bơi, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa...
"Huyện Gia Lâm cần tiếp tục chủ động kiểm kê các di tích bởi đây chính là nguồn lực văn hóa và là sản phẩm để phát triển lâu dài. Di tích cấp thành phố thì tiếp tục nâng cấp quốc gia, di tích quốc gia thì nâng thành di tích quốc gia đặc biệt và phải có kế hoạch quản lý cụ thể. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Gióng, cần phải bảo tồn và tiếp tục phát huy, gắn với phát triển du lịch từ khu di tích Đền Gióng tại Phù Đổng.
Đặc biệt, huyện cần tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, làng nghề như Bát Tràng, Ninh Hiệp, Phù Đổng...", Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đánh giá cao công tác chỉ đạo của huyện Gia Lâm. Tuy vậy, đồng chí cũng lưu ý, huyện Gia Lâm sắp trở thành quận nên càng cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.
"Huyện Gia Lâm cần phát huy hương ước của làng xã, xây dựng chuẩn mực của người Gia Lâm, người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển du lịch gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và gắn với Nghị quyết 09 của Thành ủy; Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch của các địa phương, đặc biệt là khai thác, vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa tại địa phương để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới", đồng chí Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.