Chú trọng phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa, sinh thái
Tăng cường phát triển du lịch văn hóa, sinh thái thu hút du khách
Với tiềm năng và lợi thế của một vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Huyện Gia Lâm có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt (đền Phù Đổng); 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Phát huy thế mạnh đó, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong khai thác các lợi thế về di sản, sinh thái, tăng cường ứng dụng công nghệ để tạo động lực mới cho sự phát triển.
Du khách trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm |
Huyện Gia Lâm là nơi có mật độ di tích dày đặc, có nhiều làng nghề nổi tiếng. Trong đó, huyện có các di tích nổi tiếng liên quan đến Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thái hậu Ỷ Lan… hay các làng nghề gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc bắc Ninh Hiệp…
Cùng với đó, cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống cũng là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của người Việt là Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mới đây, hàng loạt tour du lịch tại Phù Đổng được đưa vào hoạt động, như: Tour du lịch đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, khu sinh thái Green Park, tour du lịch một ngày khám phá quê hương Thánh Gióng hay một tour tham quan các di tích liên quan đến Thánh Gióng. Ngoài ra, khách còn có thể chọn các tour liên kết giữa di tích Phù Đổng với những di sản khác ở phía Đông và Bắc Hà Nội như: Đền thờ Ỷ Lan, chùa Non Nước, Việt phủ Thành Chương…
Cùng khoảng thời gian Phù Đổng triển khai các hoạt động du lịch mới, làng gốm Bát Tràng cũng "làm mới mình" với tour du lịch "Dấu chân làng cổ". Trước đây, khách đến Bát Tràng thường tự khám phá, mua hàng ở khu vực chợ gốm thì nay, khách du lịch được khám phá làng cổ Bát Tràng ở chiều sâu, từ trải nghiệm trong những con ngõ quanh co chỉ vừa hai người đi bộ tránh nhau cho đến ngắm nghệ nhân làm sản phẩm, nghe những câu chuyện quá khứ và thưởng thức những đặc sản ẩm thực Bát Tràng.
Ngoài điểm nhấn là du lịch văn hóa, sinh thái, Gia Lâm còn có điểm du lịch nông nghiệp ở làng cổ Văn Đức. Tại đây, khách sẽ được tìm hiểu về các loại trái cây, rau và thảo mộc của Việt Nam và cách trồng trọt, chăm sóc; Tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thực hành như trồng và thu hoạch lúa, cuốc đất và bón phân hay học cách đánh bắt cá từ sông với các công cụ đánh cá truyền thống...
Bảo tồn để phát triển
Chia sẻ về nguồn lực phát triển du lịch huyện Gia Lâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: "Gia Lâm là nơi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và là vùng đất cổ, còn lưu dấu nhiều di tích lịch sử liên quan đến buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cùng các di tích lịch sử văn hóa và các di tích cách mạng kháng chiến, Gia Lâm còn có nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội Gióng, lễ hội đền Bà Tấm, lễ hội Chử Đổng Tử... và nhiều làng nghề truyền thống, làng khoa bảng có lịch sử hàng trăm năm như làng Bát Tràng, làng Kiêu Kỵ, làng Nành (Ninh Hiệp).
Đây chính là những thế mạnh mà Gia Lâm có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử văn hóa, con người… đến bạn bè trong và ngoài nước. Đó cũng là những yếu tố cơ bản hình thành tài nguyên du lịch phong phú trên địa bàn huyện".
Hội Gióng Phù Đổng thu hút rất đông du khách |
Với những nỗ lực nêu trên, các địa danh du lịch Gia Lâm là lựa chọn của nhiều du khách trong các tour ngắn ngày, vừa được nhiều doanh nghiệp lữ hành thiết kế đưa vào tour của mình.
Để phát triển du lịch, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”.
Huyện đã đầu tư tu bổ di tích, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Gia Lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng những sản phẩm mới, tập trung vào phát triển du lịch văn hóa du lịch xanh.
Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thông qua việc đầu tư xây dựng ứng dụng và trang website chuyên đề về du lịch Gia Lâm; Số hóa du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận thông tin, đặt mua các dịch vụ.