Khuyến khích cán bộ từ chức nếu có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW, điều chỉnh một số chức danh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019; Sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và thực tiễn của việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh |
Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trên cơ sở Quy định số 96-QĐ/TW, Luật Cán bộ, công chức, Nghị quyết số 85/2014/QH13, dự thảo Nghị quyết đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá, đảm bảo phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách...
Cho ý kiến về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, quy định tại Điều 2, đa số đại biểu tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Hà Thị Nga (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu cũng đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, HĐND để bảo đảm chặt chẽ.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ, trong thời gian được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đến khi khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm, nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ sở y tế từ 6 tháng trở lên, để đảm bảo thống nhất.
Trong khi đó, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề nghị xem xét bổ sung đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là Phó trưởng ban của các ban của HĐND.
Đây là những chức danh do HĐND bầu, hơn nữa thực tế có địa phương đang bố trí Trưởng ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm, còn Phó ban hoạt động chuyên trách.
Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 13 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với các trường hợp: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị ban soạn thảo thống nhất theo tỷ lệ phần trăm để đảm bảo thống nhất và đồng bộ. Đại biểu cũng đề nghị thống nhất quy định cách tính tỷ lệ phiếu về số đại biểu được triệu tập hay đại biểu tham gia có mặt bỏ phiếu, tránh sự lúng túng và tạo sự thống nhất khi thống kê.
Đối với người có tín nhiệm thấp sẽ được người có thẩm quyền đề xuất Quốc hội, HĐND miễn nhiệm, một số ý kiến của đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định nếu các trường hợp này xin từ chức, không tiến hành các bước miễn nhiệm theo quy trình, để đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ.