Kích hoạt những động lực mới cho phát triển kinh tế tư nhân
![]() |
Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam (Nguồn als.com) |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế số, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Từ một thành phần kinh tế "bên lề", kinh tế tư nhân nay đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và tạo việc làm.
Theo đó, để kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành “động lực quan trọng” của nền kinh tế, cần một tư duy đổi mới toàn diện và hành động quyết liệt hơn từ Nhà nước song song với nỗ lực vươn lên và chuyên nghiệp hóa từ bản thân các doanh nghiệp tư nhân. Những giải pháp đột phá không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn, mà còn phải tạo ra cú hích mới để khu vực tư nhân không chỉ phát triển về lượng, mà còn nâng tầm về chất.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đóng góp khoảng 51% GDP, chiếm 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, và tạo ra hơn 80% việc làm trong nền kinh tế.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 28% GDP, các hộ kinh doanh phi nông nghiệp đóng góp khoảng 12%, hộ kinh doanh nông nghiệp đóng góp khoảng 10%. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực này lên 70% GDP vào năm 2030.
![]() |
KCN Liên Chiểu là một trong những khu công nghiệp lớn và có uy tín tại TP Đà Nẵng của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng |
Trong khi doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hút đầu tư nước ngoài còn phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, thì doanh nghiệp tư nhân trong nước chính là lực lượng "nội lực" bền vững cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản về vốn, thiếu công nghệ, năng lực quản trị yếu và tiếp cận thị trường còn hạn chế đang là những điểm nghẽn khiến kinh tế tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng.
Ngoài ra, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch, môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi cũng là nguyên nhân làm giảm động lực phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng, quỹ đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập dự án, hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Ông Mai Công Hồ - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho rằng, để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng, lợi thế của mình thì cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và một hệ thống pháp luật ổn định, dễ dự đoán, thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
![]() |
Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân đang thiếu lao động có kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, marketing số, quản trị tài chính |
Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi phí không chính thức, cải thiện thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước như hiện nay, sẽ là những bước đi thiết thực để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Cũng theo ông Hồ, trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp nào làm chủ được công nghệ, tận dụng được dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (startup hub) và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Châu cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố vô cùng quan trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân cần được đầu tư. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, marketing số, quản trị tài chính.
Do đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, thúc đẩy đào tạo nghề sẽ là chìa khóa nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, kinh tế tư nhân cần được hỗ trợ hơn nữa để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm, hợp tác với các tập đoàn lớn để học hỏi và mở rộng thị trường, hình thành các cụm liên kết ngành (industry cluster), khu công nghiệp chuyên sâu… sẽ giúp doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực, cùng nhau phát triển.
Theo Tiến sỹ Châu, để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), không thể chỉ dựa vào các giải pháp thông thường hay cải cách nhỏ lẻ, mà cần có những giải pháp đột phá mang tính chiến lược, đồng bộ và thực chất.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Học hỏi quốc tế để kinh tế tư nhân TP Hồ Chí Minh phát triển

PGBank trao giải thưởng 3 lượng vàng cho khách hàng may mắn

Các địa phương hỗ trợ nhau trong bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án đầu tư công

Dùng nguyên liệu hết hạn, Công ty GodwayPharma bị phạt gần 3 tỷ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc

S&P ấn tượng với Nghị quyết 68-NQ/TW và công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy của Việt Nam

Đề xuất tăng quyền của Thủ tướng trong thu, chi ngân sách Nhà nước

Thương hiệu Thái Lan khẳng định vị thế trên đất Việt

Tín dụng TP Hồ Chí Minh vượt mốc 4 triệu tỷ đồng
