Phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
![]() |
THACO INDUSTRIES phát triển cơ khí chế tạo, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt, khu vực kinh tế tư nhân đã chứng minh được vai trò không thể thay thế trong việc thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp tư nhân, từ quy mô nhỏ đến các tập đoàn lớn đã đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân luôn tìm cách cải tiến công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, kinh tế tư nhân còn góp phần xây dựng một xã hội năng động và tự chủ hơn. Khi người dân có điều kiện tự khởi nghiệp và làm giàu một cách chính đáng, điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống cá nhân mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo, tự lập trong cộng đồng.
![]() |
Khu Công nghiệp Liên Chiểu - TP Đà Nẵng |
Ông Mai Công Hồ - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho rằng: "Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế hiện đại, tự chủ và phát triển bền vững.
Việc này cần được xem là chiến lược lâu dài, đi kèm với cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong bối cảnh hội nhập, khu vực kinh tế tư nhân có thể linh hoạt tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP...
Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, cần có môi trường pháp lý minh bạch, chính sách hỗ trợ hiệu quả và sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực so với các khu vực khác. Cùng với đó, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, từ đó góp phần xây dựng một nền kinh tế tự cường, hiện đại và hội nhập".
Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10 - 12%/năm, đóng góp khoảng 55 - 58% GDP. Khu vực tư nhân còn được cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận như một hướng đi tất yếu, thể hiện sự đổi mới tư duy về mô hình tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Đa số doanh nghiệp trong nước xem kinh tế tư nhân là nền tảng cho sự phát triển bền vững và tự chủ của nền kinh tế.
Theo thống kê, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, bản thân các doanh nghiệp đã là chủ thể của khu vực này. Họ nhận thấy rõ vai trò thiết thực của kinh tế tư nhân trong việc tạo ra việc làm, tăng thu nhập, đóng góp cho ngân sách và phát triển thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp cũng hiểu rằng, khi khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, họ có thêm cơ hội kinh doanh, hợp tác và mở rộng quy mô.
![]() |
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) trở thành sản phẩm mang tầm khu vực và thế giới thu hút khách du lịch |
Quan điểm chung cho thấy sự đồng thuận rằng: phát triển kinh tế tư nhân là điều tất yếu để đất nước vươn lên trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát huy đúng vai trò vẫn cần nhiều cải cách thể chế và sự đồng hành thực chất giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Châu nêu quan điểm, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có cái nhìn tích cực và chủ động hơn trong việc thúc đẩy tính cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế thông qua khu vực tư nhân.
Không ít doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Thaco, FPT, Masan… đã từng bước khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế. Điều này giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin rằng, kinh tế tư nhân không chỉ là “đối tác phụ” mà có thể trở thành “trụ cột” nếu được trao cơ hội bình đẳng và tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn lực.
Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng bày tỏ quan điểm lo ngại trước những rào cản thể chế và môi trường kinh doanh còn bất cập. Không ít doanh nghiệp cho rằng mình vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đất đai, thông tin thị trường và các chính sách hỗ trợ.
Một số khác phản ánh tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong đấu thầu, tiếp cận dự án hay ưu đãi thuế. Những điều này cho thấy, dù kinh tế tư nhân được khẳng định về vai trò, nhưng trên thực tế vẫn cần sự cải cách sâu rộng để tạo ra môi trường bình đẳng và minh bạch.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận trách nhiệm của chính bản thân khu vực tư nhân trong việc nâng cao chất lượng quản trị, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Theo ông Châu, để có được sự tin tưởng và hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, các doanh nghiệp tư nhân cần hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và hướng đến phát triển bền vững.
Tin liên quan
Đọc thêm

Phải xác định rõ chiến lược thu hút vốn từ nước ngoài

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước tiệm cận tiêu chí đô thị

Hà Nội phấn đấu có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong năm 2025

Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

PVCFC tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới

Hơn 500 sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền hội tụ tại Hà Nội

EVNNPC cung cấp điện an toàn, ổn định khi phụ tải tăng cao

Long An - Tây Ninh sau hợp nhất: Tiềm năng hội tụ
