Kiểm soát chất lượng nguồn nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Hậu Covid-19: Nghỉ dưỡng gắn liền với chăm sóc sức khỏe lên ngôi Sân chơi “Vì sức khỏe cộng đồng” Sức khỏe mẹ con sản phụ mắc Covid-19 đã ổn định |
Sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng bởi khoảng 300 ống xả thải trực tiếp |
Ô nhiễm nguồn nước đe dọa sức khỏe cộng đồng
Trong những năm gần đây, tại một số địa phương Việt Nam các dịch bệnh có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước mặt đang là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tác hại của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với sức khỏe con người chủ yếu do môi trường nước bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các hóa chất độc hại và ô nhiễm kim loại nặng.
Ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt đối với sức khỏe cộng đồng có thể thông qua hai con đường: Do ăn, uống phải nước bị ô nhiễm hay các loại rau quả, thủy hải sản được nuôi trồng trong nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm trong quá trình sinh hoạt và lao động.
Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, đau mắt đỏ, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư…
Tại một số địa phương Việt Nam, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm phụ khoa cho thấy 40 - 50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đó, hàng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Những con số đáng báo động
Việt Nam có hơn có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên và hàng nghìn hồ, ao. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người.
Thế nhưng chất lượng nguồn nước mặt ở nước ta đang ngày càng suy thoái nghiêm trọng, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng về tình hình ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam tháng 2/2020 cho biết. Theo báo cáo này, nước tại các sông, ngòi, kênh, rạch đặc biệt ở các đô thị và vùng công nghiệp bị biến chất và nguy hiểm. Ước tính 70% tổng số nước thải từ các khu công nghiệp vẫn xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết: Đồng bằng sông Hồng có lượng nước thải sinh hoạt lớn nhất và nhiều thành phần ô nhiễm. Ô nhiễm từ nước thải chủ yếu từ làng nghề, khu công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe khi người dân vô tình sử dụng nguồn nước không đảm bảo trong sinh hoạt, ăn uống |
Tại Hà Nội, lượng nước thải mà cư dân Thủ đô cùng các nhà máy thải ra mỗi ngày lên đến 300.000 tấn. Trong nước thải này chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể mỗi năm, lượng chất thải thải ra các sông ngòi, ao hồ tự nhiên là 3.600 tấn hữu cơ, 317 tấn dầu mỡ. Hàng chục tấn kim loại năng, dung môi cùng nhiều kim loại khác.
Nước thải của Hà Nội chủ yếu được thải vào: Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, sông Tô Lịch. Riêng sông Tô Lịch, trung bình mỗi ngày đêm phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải.
Cũng theo trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia, sông Cầu thời gian qua nhiều đoạn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, KCN và các làng nghề thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Khảo sát chất lượng nước mới đây của Tổng cục Môi trường vào tháng 5/2020 cho thấy, sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm nặng nề, không thể dùng trong sinh hoạt bình thường hay tưới tiêu.
Miền Trung và Tây Nguyên có một số khu vực chất lượng nước giảm do việc đổi dòng phục vụ các công trình thủy lợi. Nguồn ô nhiễm chính khu vực Đông Nam Bộ là nguồn ô nhiễm nước mặt chủ yếu do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Sông Đồng Nai khu vực hạ lưu (đoạn qua TP. Biên Hòa) nước sông đã bị ô nhiễm.
Sông Sài Gòn trong những năm gần đây mức độ ô nhiễm mở rộng hơn về phía thượng lưu. Hệ thống sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ô nhiễm hữu cơ do chất thải nông nghiệp.
Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề, như: Nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển…
Đồng bộ nhiều giải pháp “giải cứu” nguồn nước
Mặc dù chương trình cải cách toàn diện về xử lý nước thải đã được thông qua năm 2007 (Nghị định 88/2007), ô nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, Luật BVMT đã có những quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nguồn nước nhưng các văn bản dưới luật chưa đầy đủ và hoàn thiện, mới tập trung tiếp cận bằng thanh tra, xử phạt hành chính… trong khi đó, một biện pháp kiểm soát ô nhiễm quan trọng là điều tra, thống kê, đánh giá nguồn thải thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, thiếu sự tham gia của cộng đồng. Việc xây dựng quy hoạch BVMT cho các lưu vực sông vẫn chưa được ban hành. Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước còn chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong thực hiện.
Các vấn đề chính đang được đặt ra hiện nay là: Ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và các làng nghề; Ô nhiễm do hóa chất trừ sâu và phân bón trong nông nghiệp; Hệ thống quy định pháp lý kém thực thi; Tỉ lệ kết nối thấp với mạng lưới thoát nước; Đầu tư thấp ở mọi khâu trong thu gom, xử lý nước thải và bùn thải; Bỏ qua khả năng tái sử dụng nước thải; Mức phí thấp dẫn đến thu không đủ để bù chi.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày một trầm trọng, yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần là có sự chung tay của cả động đồng; trước hết cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, các cơ quan quản lý từ Trung tương tới địa phương cần kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt; Áp dụng các biện pháp hạn chế xả chất thải ra nguồn nước mặt; Sử dụng tổng hợp và hợp lý nguồn nước; Tiến hành xử lý nước thải sinh hoạt ngay tại đầu nguồn bằng công nghệ sinh học hoặc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các cụm dân cư; Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng.
Hai là, tăng cường các hoạt động nghiên cứu nhằm xác định rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong môi trường nước mặt có nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng; Xây dựng và công bố Báo cáo Sức khỏe Môi trường quốc gia, trong đó nêu chi tiết các nội dung liên quan đến ô nhiễm nước mặt và sức khỏe cộng đồng; Tiến hành các hoạt động cảnh báo tới cộng đồng về những ảnh hưởng của ô nhiễm nước mặt tới sức khỏe người dân;
Ba là, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở có phát sinh nước thải cần tăng cường tái sử dụng nước trong sản xuất (quay vòng nước trong sản xuất); Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra nguồn tiếp nhận; Thay đổi công nghệ sản xuất, tăng cường hiệu suất sử dụng nước trong dây truyền công nghệ nhằm tiết kiệm nước. Việc xử lý và tái sử dụng nước thải là một lĩnh vực ưu tiên đầu tư và lĩnh vực này có thể hấp dẫn nếu như lợi ích, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý - có thể tạo ra nguồn thu, Báo cáo của Nhóm Tài nguyên nước 2030 (2030WRG, 2017) cho biết.
Bốn là, các cá nhân, hộ gia đình cần tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày; Có ý thức trách nhiệm trong hoạt động BVMT nói chung và bảo vệ nguồn nước mặt ngay tại khu dân cư mình sinh sống; Không xử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho ăn uống, sinh hoạt và hạn chế xử dụng nguồn nước mặt bị ô nhiễm cho các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |