Kiên quyết xử lý tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố
Trong năm 2017, các cấp, các ngành chức năng của thành phố đã phát hiện 499 điểm trông giữ xe không phép, 1.850 điểm vi phạm trật tự đô thị, 601 điểm kinh doanh hoạt động sau 24h, 193 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, 105 tụ điểm bán hàng rong trên địa bàn 12 quận. Các cấp, các ngành đã giải quyết, làm giảm vi phạm trật tự đô thị tại 211 điểm, tháo dỡ 16.258 lều quán, mái che, mái vẩy; 30.512 bục bệ, cầu dẫn và trên 10 nghìn đồ vật khác; xử lý, giải tỏa 195 chợ, sắp xếp 93 chợ…
Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đã lập biên bản xử phạt hơn 650 nghìn trường hợp với số tiền 201 tỷ đồng, xử lý phạt nguội gần 7 nghìn trường hợp. Dù có nhiêu cố gắng nhưng kết quả thực hiện ở nhiều địa phương chưa bền vững, vẫn để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố. Công tác triển khai ở một số nơi còn cứng nhắc, thiếu trách nhiệm gây dư luận, phản ứng trong xã hội. Việc thực hiện mới tập trung vào công tác tuyên truyền tháo dỡ, đẩy đuổi các trường hợp vi phạm mà chưa nghiên cứu bố trí sắp xếp phù hợp cho người dân. Địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng công khai chiếm dụng hành lang lòng đường, hè phố để trông giữ xe trái phép, thu quá giá quy định gây mất an ninh trật tự. Tình hình tai nạn giao thông tuy giảm nhưng số người chết, bị thương còn cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu, Ban Chỉ đạo 197 các cấp tiếp tục kiện toàn bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành theo hướng sáng tạo, có trọng tâm trọng điểm, kiên quyết xử lý vi phạm. Các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn giao thông; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành; đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.