Kiên quyết xử lý việc đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân
Sau mỗi vụ gặt, tại các khu nhà ở như: Dương Nội (quận Hà Đông), Thăng Long Number One (quận Cầu Giấy), Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai)… liên tục bị bao phủ bởi khói bụi. Tình trạng trên là do việc đốt rơm rạ của người dân đang diễn ra một cách phổ biến ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Khói bụi sau khi đốt đồng theo gió bay về nội thành Hà Nội.
Tình trạng đốt rơm rạ phổ biến ở các huyện ngoại thành Hà Nội
Anh Nguyễn Hoàng Long, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phản ánh: “Cứ sau mỗi vụ gặt, khói bao phủ cả một vùng rộng khắp. Dù không thường xuyên nhưng mỗi khi khói tràn vào nhà, mắt mũi cay xè, rất khó chịu. Tình cảnh này diễn ra nhiều năm rồi, nguyên nhân cũng được biết là do người dân quanh vùng đốt rơm rạ sau vụ gặt. Không hiểu sao chính quyền chưa có biện pháp can thiệp?”.
Dọc quốc lộ 32 đoạn từ huyện Đan Phượng về thị xã Sơn Tây, sau mỗi vụ gặt người ta có thể dễ dàng thấy tình trạng bà con nông dân đốt rơm rạ, gây nên tình trạng khói, bụi ô nhiễm. "Tôi thường xuyên đi về nhà trên trục đường này và chứng kiến cảnh bà con thường xuyên đốt rơm rạ. Nhiều khi khói bụi tràn lên đường khiến cho mắt tôi rất cay và khó quan sát đường đi. Nhiều khi tôi còn phải bật đèn để báo hiệu cho xe đi ngược chiều biết vì tầm quan sát rất khó do ảnh hưởng của khói bụi", anh Giang Văn Quyết (trú tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho biết.
Theo các chuyên gia về môi trường, khói bụi khi đốt rơm, rạ làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Theo Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng sương mù quang hóa - một loại ô nhiễm không khí đặc biệt do sự tương tác giữa bức xạ tia cực tím của mặt trời với khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp, khói từ cháy rừng, đốt nương rẫy theo mùa vụ. Hiện tượng này đã và đang xuất hiện tại hầu hết các trung tâm đô thị, nhưng đặc biệt rõ nét ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi có mật độ phương tiện giao thông dày đặc, với lượng khí thải lớn...
Trước thực trạng trên, ngày 9/11, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 6454/UBND-ĐT chỉ đạo hạn chế đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa của người dân trên địa bàn thành phố. Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ gây ra, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt rơm, rạ trên đồng ruộng, không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông; thực hiện phương pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất; vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu; xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đường giao thông, nơi công cộng sẽ bị phê bình và đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả thi đua khen thưởng cả năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; phối hợp với UBND các quận, huyện và thị xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa.
Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các trường hợp phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền; đôn đốc và phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu tinh trạng đốt rơm rạ.
Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên đưa tin trên hệ thống phát thanh, truyền thanh để nhân dân hiểu, chấp hành, biểu dương những tập thể, cá nhân gương mẫu thực hiện, phê phán, lên án những tập thể, cá nhân không chấp hành chủ trương chỉ đạo của thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hay nguyên liệu của các ngành sản xuất khác; nghiên cứu cung cấp các chế phẩm sinh học cho các địa phương và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Đề nghị các đơn vị sớm vào cuộc tuyên truyền và xử lý nghiêm tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố.
Thanh Hà