Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” nhưng linh hoạt theo từng thời điểm
Chiều 22/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Đoàn Hải Phòng) đánh giá cao chất lượng các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra, cho thấy tính chất liên tục của các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chúng ta phải kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” nhưng cần có sự linh hoạt theo từng thời điểm, từng địa bàn với quan điểm nhất quán là ưu tiên các nguồn lực cho việc chống dịch” - đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cho rằng, kết quả đạt được trong 6 tháng qua rất khả quan khi GDP 5,64%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,47% và thu ngân sách 58,3%, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) kỳ vọng, nếu có biện pháp tập trung khống chế dịch tốt không để lây lan trầm trọng hơn thì đà, tăng trưởng kinh tế như vừa qua sẽ giữ được. Đại biểu đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch Covid-19.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với các mục tiêu mà Chính phủ đưa ra. “Tuy nhiên, về mặt giải pháp, tôi thấy có nhiều vấn đề Chính phủ cần có giải pháp thực sự đột phá hơn. Điển hình là giải pháp liên quan đến mục tiêu sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý những vấn đề của doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thì quá chậm trong việc tái cơ cấu nền kinh tế”,đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ phải đối mặt khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện và diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ, trước hết là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất chậm dù câu chuyện này được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân chính là luật pháp còn vướng mắc và quy trình ngân sách, kế hoạch triển khai chậm trễ.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn An Giang) bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 là tích cực; Việc kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.
Đề cập vấn đề đầu tư công, đại biểu Đôn Tuấn Phong cũng ủng hộ tinh thần quyết định đầu tư có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm để tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt.
“Với các đại dự án thua lỗ kéo dài thì mong rằng Chính phủ quyết liệt giải quyết, cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung nhưng cái nào thực sự không thể vận hành được thì đau cũng phải cắt, nếu không thua lỗ kéo dài, nhìn xót xa” - đại biểu Đôn Tuấn Phong bày tỏ.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm chủ yếu chỉ xoay quanh việc phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế ngành Y tế còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
“Riêng việc mua vắc xin phòng Covid-19, hiện mới chỉ có một đơn vị mua là Công ty vắc xin Việt Nam hoặc viện trợ, trong khi các đơn vị khác chưa mua được, vậy vướng ở đâu? Quốc hội họp là thời cơ để tháo gỡ khó khăn cho việc mua vắc xin bởi đây là chìa khóa để chúng ta thoát khỏi dịch. Vì thế, chúng ta cần linh động về cơ chế trong mua vắc xin vì dịch bệnh phức tạp” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 còn chậm, do đó cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân, nhanh chóng đến với các đối tượng được hỗ trợ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
“Có 3 tình trạng khẩn cấp đó là khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia và thiên tai và dịch bệnh. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh” – đại biểu phát biểu.