Kinh tế Hà Nội “vượt bão", khởi sắc từ chỉ đạo quyết liệt, bản lĩnh của người đứng đầu thành phố
Những thành tựu trong năm “đặc biệt”
Nhìn lại, hiếm có một năm nào Hà Nội phải căng sức ra thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn diễn ra dồn dập như năm 2020. Bắt đầu là sự xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 6/3, rồi số ca nhiễm ở Hà Nội tăng lên từng ngày, trong đó có không ít ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hà Nội trở thành tâm dịch với nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp. Dù phải căng mình chống dịch, bản lĩnh của cả hệ thống chính trị thành phố luôn vững vàng, truyền tinh thần, cảm hứng cho toàn dân tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, xã hội…
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đi kiểm tra thực tế tại Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn |
Ngay từ đầu năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp.
Thường trực Thành ủy cũng chủ trì, làm việc với Đảng Khối doanh nghiệp thành phố và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch Covid-19; Làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chuyên đề về điều hành thu, chi ngân sách; Về phát triển sản xuất nông nghiệp để vực dậy quyết tâm tăng trưởng ngành này phải trên 4% trong năm 2020 và trong khó khăn do tác động của dịch bệnh, ngoại thành phải "chi viện" cho nội thành, nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế...
Chưa bao giờ người dân Thủ đô được chứng kiến một sự ráo riết, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tới vậy. Sâu hơn, đó là những tâm huyết của người đứng đầu cho một Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh…
Trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19 song tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn đạt 3,98% và gấp 1,4 lần cả nước; Thu ngân sách đạt 286.258 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán, tăng 6% so với năm 2019 (chưa tính số giảm thu 3.930 tỷ đồng do chính sách giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn mới ban hành và áp dụng trong năm 2020 cho các đơn vị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); Tình hình dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi nhưng ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây...
Đánh giá về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm “đặc biệt, tại Đến Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 ngày 3/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hà Nội tiếp tục phát động phong trào thi đua những tháng cuối năm để có thể đóng góp tăng trưởng gấp 1,13 lần đến 1,4 lần của cả nước và đi liền với đó là hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước như dự toán Trung ương đã giao. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Thủ tướng tin tưởng với bản lĩnh, ý chí của Hà Nội, nhất định thành phố sẽ đóng góp cùng cả nước trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới”.
Nhiều ý kiến của các Sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp và người dân đều cho rằng: Nhân tố quyết định chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy, cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và lãnh đạo TP Hà Nội thăm quan, động viên sản xuất tại Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc |
Một minh chứng khác cho tính trúng và đúng của lãnh đạo Hà Nội là việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” vào tháng 6/2020. Hội nghị tổ chức ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hội nghị đã thu hút 229 dự án với số vốn trên 400.000 tỷ đồng, tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. “Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo thành phố Hà Nội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá.
Bản lĩnh của người đứng đầu
Gống như các địa phương khác, Hà Nội cũng có những vụ việc tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm. Năm 2020, mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ kép, với khối lượng công việc khổng lồ nhưng lãnh đạo TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đó là giải quyết tận gốc các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn Thủ đô.
Điển hình, Hà Nội đã hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và lợi ích của các bên liên quan.
Ngoài ra, trước những tồn tại và vướng mắc kéo dài nhiều năm của dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của Nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang |
Nhấn mạnh tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy cho rằng, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với thành phố. Vì vậy thành phố, các cấp, các ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao, chủ động cao; Vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền của thành phố, nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.
Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu, huyện Sóc Sơn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn, chủ động hơn, xác định đây là nhiệm vụ của huyện để giải quyết, phát huy phương châm "4 tại chỗ". Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của đồng chí Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã sốc lại công việc, đến nay tình hình tại Khu liên hợp đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.
Với chủ đề công tác năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, phải siết chặt kỷ cương trên mọi lĩnh vực; Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm từng tháng, từng quý; Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng về cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, qua đó, giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị thành phố phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để bùng phát đợt dịch thứ 3; Đồng thời, tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế; Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 22/10/2020, Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII), Nghị quyết của Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội năm 2021; Phấn đấu GRDP tăng từ 7,5% trở lên; Vốn đầu tư xã hội tăng từ 12% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường...
Thành phố cũng tập trung thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội, đó là Nghị quyết số 97/2012/QH14, ngày 27/11/2019 về thực hiện "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" và Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Gắn với quyết tâm chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thành phố sẽ khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp;
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội năm 2021 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, tạo bước chuyển biến trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nhìn vào phong cách lãnh đạo của người đứng đầu thành phố cũng như của đội ngũ lãnh đạo mới của Hà Nội, người dân Thủ đô hoàn toàn có thể lạc quan và hy vọng vào một vận hội mới đầy tươi sáng cho Thủ đô trong năm 2021.