Kon Tum: Hàng loạt trạm cân nông sản “nhiều không” đấu nối trái phép vào Quốc lộ 14
Trạn cân thu mua nông sản Lâm Tịnh ngang nhiên đấu nối Quốc lộ 14 trái phép (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trạm cân “nhiều không”
Thời gian qua, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của người dân tại huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), về việc hàng loạt trạm cân thu mua nông sản (mì, gỗ vườn...) không đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường, quy hoạch... mọc lên “như nấm sau mưa” và ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài.
Để làm rõ thực trạng trên, phóng viên đã đi khảo sát dọc Quốc lộ 14 (đường mòn Hồ Chí Minh), đoạn từ xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) tới xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei).
Trạm cân Lâm Tịnh xây dựng nhiều hạng mục như: nhà ở kết hợp nhà điều hành, trạm cân điện tử trọng tải 80 tấn, bên bê tông... (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo ghi nhận, tại km1473, thuộc xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) có 2 trạm cân thu mua mì (củ sắn) tươi, cà phê của trạm cân Lâm Tịnh và Chinh Nhạn. Hằng ngày, rất nhiều xe “Hoa Mai” trọng tải 8 tấn chở mì tươi vào 2 trạm cân này để bán.
Khi mì trong trạm cân đủ số lượng, những chiếc xe “3 chân, 4 chân” có nhiệm vụ trung chuyển về Nhà máy tinh bột sắn Đăk Tô (tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) và Nhà máy mì Đăk Hà (huyện Đăk Hà) để nhập mì.
Anh N.V.M (chủ xe khách chạy tuyến Bắc Giang – Đắk Lắk) cho biết: “Ngay 2 trạm cân thu mua nông sản này là đoạn dốc và nằm ngoài khu vực dân cư nên tốc độ cho phép lưu thông đối với các phương tiện là 80km/h. Việc các xe tải chở mì tươi ra, vào Quốc lộ 14 là hết sức nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”.
Trạm cân Chinh Nhạn (nằm bên trái) cũng đấu nối |
Theo tìm hiểu, 2 trạm cân Lâm Tịnh và Chinh Nhạn đều không phù hợp quy hoạch xây dựng trạm cân thu mua nông sản; Không chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất Thương mại – dịch vụ; Không có giấy phép xây dựng trạm cân mì; Không có báo cáo bảo vệ môi trường và không có phương án phòng chống cháy nổ. Đặc biệt. 2 trạm cân này đều đấu nối trái phép với Quốc lộ 14.
Ngang nhiên tháo hộ lan đường bộ
Tại thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei), trạm cân mì Lâm Tịnh 1 cũng ngang nhiên xây dựng và tự ý đấu nối trái phép với Quốc lộ 14. Ngay bên trong trạm cân mì này, một số công trình được xây dựng như: Nhà ở kết hợp nhà điều hành, cân điện tử trọng tải 80 tấn, sân bê tông...
Một người dân cho biết, cứ đến vụ mùa nông sản là các xe ô tô ra, vào trạm mì Lâm Tịnh 1 liên tục. Thường thì buổi chiều các xe tải sẽ tập kết mì về đây. Việc các xe tải lớn nhỏ ra vào trạm cân này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho các phương tiện. Tuy nhiên, cũng không thấy một cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.
Ngay đoạn đèo Lò Xo có độ dốc lớn, đường quanh co, trạm cân Liên Hiệp đã ngang nhiên tháo dỡ hộ lan bảo vệ đường bộ để đấu nối trực tiếp với Quốc lộ 14 (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Đáng chú ý, ngay đoạn đầu lên đèo Lò Xo, thuộc địa giới hành chính xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei), mặc dù là đoạn đèo dốc, quanh co nhưng chủ trạm cân mì Liên Hiệp ngang nhiên tháo nhiều đoạn hộ lan bảo vệ đường bộ, tự ý đấu nối trái phép với Quốc lộ 14 để mở trạm cân thu mua nông sản.
Theo ghi nhận, ngay tại vị trí trạm cân Liên Hiệp có đặt biển cảnh báo “Nguy hiểm khác”, nhưng chủ trạm cân Liên Hiệp vẫn bất chấp các quy định về Luật giao thông đường bộ, tự ý tháo dỡ hộ lan bảo vệ đường bộ để các xe tải lớn nhỏ ra, vào trạm cân.
Việc đấu nối trực tiếp với Quốc lộ 14 tại vị trí đèo Lò Xo luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) khẳng định: “Từ địa phận huyện Ngọc Hồi đến huyện Đăk Glei đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một trạm cân thu mua nông sản nào làm thủ tục đấu nối với Quốc lộ 14”.
“Chúng tôi đang có kế hoạch phối hợp với địa phương để rà soát lại các vị trí bất hợp lý, các trạm cân thu mua nông sản của tư nhân đấu nối trái phép với Quốc lộ 14 thì sẽ yêu cầu dừng ngay, rào lại và hoàn thiện thủ tục theo quy định”, ông Trần Thái Hòa cho biết thêm.
Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 140 trạm cân thu mua nông sản. Trong đó, 110 trạm cân của hộ gia đình, cá nhân và 30 trạm cân của tổ chức, doanh nghiệp. Hầu hết các trạm cân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều không đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể, về xây dựng có 83/140 trạm không phù hợp quy hoạch, 43 trạm/140 trạm xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng. Về đất đai, có 104 trạm không phù hợp mục đích sử dụng đất và 71 trạm không phù hợp quy hoạch đấu nối giao thông. Trước tình hình trên, thời gian qua UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ban ngành, chính quyền địa phương rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trạm cân thu mua nông sản trái phép, vi phạm về đất đai, xây dựng, quy hoạch, môi trường... Bên cạnh đó, phải đình chỉ hoạt động với các trạm cân trái phép, không đủ điều kiện hoạt động. Ngoài ra, UBND các xã phải thường xuyên theo dõi việc chấp hành với các trạm cân thu mua nông sản chưa đủ điều kiện hoạt động. |