Kon Tum: Hơn 170 nghìn học sinh nô nức khai giảng năm học mới
Đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Kon Tum: Người Mường nhớ Tết Độc lập Kon Tum đón gần 53.000 lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh |
Năm học 2024 - 2025, tỉnh Kon Tum có hơn 170.000 học sinh (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Sáng 5/9, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 trong không khí trang trọng, an toàn, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của từng đơn vị.
Trước thềm năm học, các trường đã phát động ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và làm tốt công tác truyền thông đến toàn xã hội về lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 để cha mẹ học sinh yên tâm, tin tưởng và đồng hành.
Theo ghi nhận, mặc dù trong sáng 5/9 thời tiết không thuận lợi, một số địa phương xuất hiện mưa lớn nhưng các em học sinh vẫn háo hức đến trường dự lễ khai giảng.
855 học sinh Trường Tiểu học Số 1 thị trấn Plei Kần nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Tại trường Tiểu học Số 1 thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi), ngay từ sáng sớm các em học sinh từ khối 1 - 5 vui tươi, phấn khởi được bố mẹ đưa vào tận sân trường để dự lễ khai giảng năm học mới.
Cô Đặng Thị Uyên Chi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Số 1 thị trấn Plei Kần cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn trường có 855 học sinh, gồm 26 lớp (từ khối 1 - 5).
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã rà soát tất cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ thẻ bảo hiểm, cặp sách, dụng cụ học tập...
Hiện tại, tất cả các em học sinh đã đầy đủ dụng cụ học tập và sẵn sàng cho một năm học mới.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 102.000 học sinh dân tộc thiểu số |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, năm học 2024 - 2025, toàn ngành hiện có 9.846 giáo viên.
Số giáo viên còn thiếu ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh là 496 chỉ tiêu gồm: 160 chỉ tiêu cấp mầm non, 208 chỉ tiêu cấp tiểu học, 96 chỉ tiêu cấp trung học cơ sở và 32 chỉ tiêu cấp trung học phổ thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và lên phương án hỗ trợ các em học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện để bước vào năm học mới.
CCasc em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số phân khởi, nô nức đến trường |
Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các đơn vị rà soát, bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; thực hiện linh hoạt trong việc sắp xếp, phân công giáo viên dạy học bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên, giáo viên chủ động, sẵn sàng thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị giáo dục chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.
Đối với cấp tiểu học, ngành Giáo dục phấn đấu đạt tỷ lệ 100% tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc tăng buổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 170.000 học sinh (tăng 3.000 học sinh so với năm trước), trong đó học sinh dân tộc thiểu số là hơn 102.000. Toàn tỉnh có 6.150 phòng học, trong đó được đầu tư xây mới bổ sung 151 phòng và 290 phòng được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa. Trang thiết bị dạy học đã được các trường học bổ sung, đáp ứng là 45% so với thiết bị tối thiểu quy định. Sách giáo khoa, dụng cụ học tập của học sinh được trang bị từ nhiều nguồn, bảo đảm học tập. Nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản bảo đảm để phục vụ công tác dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |