Kỳ 2: Cần nhiều chính sách hấp dẫn thu hút nhân tài
Kỳ 1: Cần cơ chế đặc thù cho ngành Y tế Thủ đô TTTĐ - Trong Kết luận 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ ... |
Lo ngại “chảy máu chất xám”
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch và phát huy nhân tài trong lĩnh vực y tế đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Có thể khẳng định, trong chiến lược phát triển Thủ đô, không thể thiếu chiến lược thu hút sử dụng nhân tài như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công. Tuy nhiên, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, việc tuyển dụng đã khó nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương hạn chế so với khu vực y tế tư nhân.
Ảnh minh họa |
GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng khi tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của Hà Nội chưa cao, so với số 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với Australia: 38; Pháp: 34; Hoa Kỳ: 26; Trung Quốc: 22.
Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam, 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên.
Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.
Chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy, trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ nội trú với trường Đại học Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974 - 2012).
Khắc phục điều này, giai đoạn 2013 - 2020, lãnh đạo TP Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, đơn vị đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau.
Lớp học của sinh viên Y khoa trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Văn Chung) |
Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội như giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận/huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập đang là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Y tế Thủ đô hiện nay.
Chỉ trong nửa đầu năm 2022, hơn 9.000 viên chức y tế nghỉ việc, trong đó, hơn một nửa là những người thuộc quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh, tức là những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe của người dân ở các địa phương.
Trong đó, hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn nhất cả nước, tình hình cũng đáng quan ngại khi trong riêng 4 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 600 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Nâng mức đãi ngộ “giữ chân” y, bác sĩ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Nếu chúng ta không kịp thời giải quyết những khó khăn liên quan đến chế độ cho bác sĩ, nhân viên y tế để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" trong các cơ sở y tế công lập, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng đặc biệt thì thời gian sau sẽ có nguy cơ chúng ta phải quan tâm".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân quan trọng nhất là chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức ngành y tế chưa phù hợp. Y tế là ngành đặc thù từ khi còn học và đặc thù trong quá trình phục vụ người bệnh trong khi chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù của ngành.
Trong khi đó, áp lực với công việc của nhân viên y tế rất lớn. Điều kiện làm việc còn khó khăn, chế độ đãi ngộ còn hạn chế và nguy cơ của cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong vấn đề chăm sóc người bệnh rất lớn.
Chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp, dẫn đến việc khó tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc.
Các quy định về bảo hiểm y tế, chế độ chi trả khám chữa bệnh, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay…
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi niệu quản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì |
Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội.
Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
(Còn nữa)