Kỳ 2: Những ý tưởng đột phá
Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền phát triển mô hình trồng cây dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn)
Bài liên quan
Cây dược liệu cơ hội khởi nghiệp cho nhiều người
Phát triển cây dược liệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP
Quảng Ninh thu giữ 20 tấn dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc
Chàng trai miền núi nâng cao giá trị cà gai leo
Phát triển các vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, huyện Sóc Sơn có nhiều điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển tiềm năng cây dược liệu. Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
Khu trồng dược liệu hữu cơ tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) được coi là vùng trồng dược liệu lớn nhất của Hà Nội. Xã Bắc Sơn là xã miền núi phía bắc có địa hình bán sơn địa, có điều kiện thuận lợi cho phát triển cây dược liệu.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, từ 5ha ban đầu hình thành vào năm 2015, đến nay, hợp tác xã đã phát triển quy mô trồng lên tới 21ha tại xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang.
Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thanh Tuyền đã không quản ngại vất vả, cất công đi tìm vùng đất thích nghi để phát triển cây dược liệu. Sau bao nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ về thổ địa, khí hậu... chị đã đến với xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) và quyết tâm gây dựng nơi này thành vựa dược liệu trù phú...
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, chị Tuyền cho biết: “Với niềm đam mê và thấy được tiềm năng phát triển cây dược liệu tại Sóc Sơn, năm 2014 tôi quyết định về vùng núi cao của xã Bắc Sơn cải tạo đất đồi trồng các loại cây dược liệu. Ngày đầu lên đây chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục từng hộ dân để thuê đất trồng cây. Cây dược liệu không giống cây lương thực, nếu không bán được thì chỉ bỏ đi. Lo ngại việc trồng cây sẽ thất bại, hầu hết người dân không mấy mặn mà khi chúng tôi đặt vấn đề thuê đất.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày thuyết phục, đến cuối năm 2014, chúng tôi đã thuê được diện tích đất đồi khá lớn và bắt đầu trồng năm héc-ta cây dược liệu đầu tiên, chủ yếu là cây trà hoa vàng, khôi tía. Lấy ngắn nuôi dài, chúng tôi còn trồng một số loại cây thảo dược thương mại để chế biến thành các loại trà hoa, trà thảo mộc bán trực tiếp đến người tiêu dùng”.
Từ mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả tại xã Bắc Sơn, mô hình trồng cây dược liệu đang lan tỏa ra nhiều địa phương khác với số lượng nông dân tham gia ngày một đông đảo, đặc biệt là tại các xã của huyện Sóc Sơn như Bắc Phú, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, Xuân Giang…
Mục tiêu bảo tồn và sản xuất dược liệu Sóc Sơn là phát triển cây dược liệu định hướng hữu cơ, đạt chuẩn GACP-WHO quốc tế. Đồng thời dần từng bước mở rộng quy mô liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn huyện Sóc Sơn, góp phần nâng cao đời sống người nông dân trồng cây dược liệu của huyện.
Hiện nay, một số loại cây dược liệu hàng năm đã cho thu hoạch, những loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao như chè hoa vàng cho thu hoạch ổn định trong 2 năm tới và các năm tiếp theo. Đặc biệt đã triển khai xét nghiệm hoạt chất có trong sản phẩm chè hoa vàng HaKoDa và bảo hộ kết quả công bố, chỉ dẫn địa lý chè hoa vàng HaKoDa Sóc Sơn quốc tế. Các sản phẩm trà thảo mộc được sản xuất từ cây dược liệu HTX Hội Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã tham gia các hội chợ nông nghiệp hữu cơ quốc tế tại Italia, Singapore, Nhật Bản…
Đánh giá về tiềm năng, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Hà Nội cho rằng, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Hà Nội phù hợp để phát triển đa dạng các loại cây dược liệu. Các huyện miền núi Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức… có thổ nhưỡng, độ dốc địa hình, điều kiện thời tiết phù hợp với các loại cây như: Khôi tía, trà hoa vàng, trà hoa cúc Nhật… Vùng bán sơn địa Chương Mỹ, Thạch Thất có thể phát triển các loại cây cà gai leo, mật gấu…
Từ ý tưởng trồng cây dược liệu chữa ung thư
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ cây dược liệu cũng đã nhen nhóm trong các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Tại vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2019” của Đại học Nội vụ Hà Nội, giải nhất thuộc về ý tưởng trồng cây dược liệu quý lan kim tuyến có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường của tác giả Vương Văn Thái, sinh viên năm nhất ĐH Nội vụ phân hiệu Quảng Nam.
Lan kim tuyến hay lan gấm là một thảo dược rất quý hiếm của vùng miền núi. Lan kim tuyến có tác dụng tốt đối với sức khỏe, đây là vị thuốc quý có giá trị kinh tế cao của Việt Nam.
Vương Văn Thái, sinh viên năm nhất Đại học Nội vụ đã đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 với ý tưởng trồng cây dược liệu quý lan kim tuyến có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường |
Tuy nhiên, do hiện nay nhu cầu sử dụng quá cao của người tiêu dùng cùng với sản lượng trong tự nhiên rất ít nên cây lan kim tuyến đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cây lan kim tuyến đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam, loài lan cần được bảo vệ trong tự nhiên. Hiện nay, Việt Nam cũng đang có những công trình nghiên cứu để nhân giống loài dược liệu quý hiếm này.
TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức cho rằng, ý tưởng của sinh viên không chỉ bó hẹp ở những lĩnh vực liên quan đến ngành học, mà rất đa dạng, hướng tới cộng đồng. Đặc biệt những ý tưởng kinh doanh về thực phẩm sạch, dược liệu… có tính thực tế cao, gây được ấn tượng với ban giám khảo.
Vương Văn Thái, tác giả mô hình trồng lan kim tuyến chia sẻ: “Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho sinh viên, nơi chúng em được giao lưu học hỏi lẫn nhau và quan trọng là được kết nối với các nhà kinh doanh, để được tư vấn và có thêm cơ hội biến ý tưởng khởi nghiệp thành thực tế”.
Chia sẻ thêm về mô hình trồng lan kim tuyến, Thái cho biết, qua tìm hiểu, cây lan kim tuyến rừng là loại dược liệu quý, có tác dụng điều trị bệnh ung thư, tiểu đường, điều trị các bệnh về gan, bồi bổ cơ thể, chữa bệnh mất ngủ, giảm căng thẳng, điều trị suy nhược cơ thể kén ăn và nhiều căn bệnh khác.
Loài cây này mọc trong rừng sâu, người dân ở Đăk Lăk nơi em sinh sống vẫn chủ yếu vào khai thác mà chưa có các mô hình trồng hiệu quả để có nguồn dược liệu lâu dài. Xuất phát từ suy nghĩ này, chàng sinh viên năm nhất đã nghiên cứu kỹ thuật trồng và triển khai mô hình trồng lan kim tuyến để xuất bán ra thị trường.
Xác định mục tiêu cốt lõi để khởi nghiệp, Thái cho biết, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu cần lấy chất lượng, an toàn, hiệu quả làm cam kết, lấy trí thức sáng tạo, sự khác biệt làm nền tảng cho sự phát triển, làm lợi thế trong cạnh tranh, lấy lợi ích cộng đồng làm khởi sự cho mọi hoạt động.
“Hiện nay em vẫn đang học năm nhất nên việc vừa học vừa làm gặp nhiều khó khăn. Em hy vọng có thể gọi vốn, hợp tác với những đối tác khác để hợp tác sản xuất”, Vương Văn Thái cho biết.
(Còn nữa)