Kỳ vọng những quyết sách lớn sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn |
Hôm nay (21/10), kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.
Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày với khối lượng lập pháp nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận.
Theo đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Chia sẻ quan điểm về kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, kỳ họp diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10 nên sẽ có nhiều đổi mới, nhất là về công tác lập pháp. Công tác xây dựng pháp luật trên tinh thần ngắn gọn, không đưa vào luật các nội dung thuộc nghị định, thông tư; điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
"Tôi cho rằng, với quan điểm xây dựng luật này vừa tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất, knh doanh và phục vụ đời sống người dân", ông Dũng nói.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) |
Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ giám sát thường xuyên các hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành, trong đó kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn đối với 3 bộ trưởng. Hy vọng thông qua hoạt động giám sát tối cao, các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm đặt câu hỏi đúng, trúng; còn các bộ, ngành sẽ nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay, từ đó tiếp tục nỗ lực giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) mong muốn nhiều luật đảm bảo chất lượng được thông qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong thực thi để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân
Tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Thị Thu Hằng quan tâm đến một số dự thảo luật như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Điện lực, với nhiều nội dung mới.
"Tôi cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, để khi được thông qua và có hiệu lực có thể áp dụng ngay trong thực tiễn.
Ngoài ra, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; thông qua đó đại biểu có thể truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết những vướng mắc đang nảy sinh trong công tác quản lý trong từng lĩnh vực của bộ, ngành quản lý", đại biểu Trần Thị Thu Hằng chia sẻ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua 15 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật và một số nội dung quan trọng như: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hoạt động giám sát tối cao, giám sát chuyên đề...
Trong đó, đối với công tác lập pháp có một số nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân như: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi).
"Tôi cho rằng trong trường hợp nếu các dự án luật quan trọng chưa thông qua theo quy trình một kỳ họp, có thể ban hành nghị quyết riêng để tháo gỡ một số vướng mắc cấp bách", ông Huân chia sẻ.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ có nhiều cơ hội, thách thức, đặc biệt là các chương trình, dự án đầu tư lớn đang cần triển khai, nhưng các vướng mắc về thể chế đang phần nào cản trở những chương trình, dự án này.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, rất cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sự đồng bộ; đồng thời bổ sung thể chế đặc thù, vượt trội.
Hơn nữa, năm 2025 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2021-2026, là năm bản lề cho các chương trình, kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cần chỉ ra các mục tiêu và hành động của cả năm để về đích thành công; tạo ra tiền đề cho cả giai đoạn tới.