Làm rõ phạm vi của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc
Trình Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 22/10, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự. Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; Việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; Các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; Sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 22/10 |
Một số, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: Quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; Mô hình quản lý tài chính lạc hậu; Chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro.
Vì vậy, việc sửa đổi luật lần này nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Theo Tờ trình của Chính phủ, các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); Các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), báo cáo của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh trình bày tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.
Về nội dung bảo hiểm bắt buộc, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra |
Theo Ủy ban Kinh tế, hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc, cần thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc; Có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.
Về vấn đề hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo Luật, theo đó luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; Hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; Cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp; Tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Đối với quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm tại dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến phá sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản...