Làm sao để doanh nghiệp không còn phải “đi giữa mê cung thủ tục”?
Người dân có thể giải quyết thủ tục về đất đai qua trực tuyến Thủ tướng yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính |
Thảo luận tại tổ sáng 23/5, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân, vốn được xem là “đòn bẩy tăng trưởng” đang có dấu hiệu suy yếu. Theo đó, riêng quý I/2025, mỗi tháng có hơn 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn 8,2% so với số lượng 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng chúng ta không thiếu quyết tâm, cũng không thiếu chính sách. Ngày 17/5/2025 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 năm 2025 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
“Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh). |
Để chính sách đặc biệt này đi vào thực tiễn, có chuyển biến tích cực, tránh rơi vào tình trạng lặp lại mục tiêu cũ, nhưng không có kết quả mới, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần phải có một cuộc “đại phẫu” thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.
Theo đại biểu, đã từng có "Khoán 10" làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.
“Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế "giấy phép im lặng", nếu cơ quan Nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai”, đề xuất điều này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng có thể áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án qui mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”.
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Như So, cần nghiên cứu, thể chế chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc quy định một điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế, theo đó chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải.
“Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải “đi đường dài với đôi chân trần” giữa mê cung thủ tục”, đại biểu nhấn mạnh.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng “một thể chế đủ sâu để nuôi dưỡng, đủ rộng để bảo vệ, đủ linh hoạt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, trong đó tập trung xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể có tính định lượng, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá độc lập có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, kể cả cơ chế báo cáo ẩn danh, bảo vệ người phản ánh, công khai kết quả thực hiện, cũng như chế tài xử lý nếu không hoàn thành mục tiêu.
“Một điều nữa vô cùng quan trọng là cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Vũng Tàu đón đề xuất đầu tư sân golf đẳng cấp quốc tế

Bộ Công thương cùng BIDV ký kết hợp tác chiến lược phát triển thương mại điện tử

Thủ tướng tiếp lãnh đạo tập đoàn công nghệ Thales của Pháp

Thủ tướng mong muốn thúc đẩy hợp tác với hai tập đoàn hàng không - vũ trụ hàng đầu thế giới của Pháp

Nhiều tập đoàn lớn của Pháp sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho Việt Nam

Techcombank đồng hành cùng chương trình "Vươn tầm doanh nghiệp Việt”

Định hướng chiến lược “Đổi mới - Bứt phá - Thích ứng - Cạnh tranh”

Hoàn thiện khung pháp lý thực thi Nghị quyết 68-NQ/TƯ

Hai sản phẩm hạt nêm Vedan được trao tặng danh hiệu “Vị ngon thượng hạng 2025”
