Làng gốm Bát Tràng: Điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế
Du khách tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Bài liên quan
Làng gốm Bát Tràng chính thức được công nhận là điểm du lịch của Hà Nội
Làng gốm Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch
Khơi dậy tiềm năng du lịch làng nghề của Hà Nội
Học sinh trưởng tiểu học Bát Tràng hào hứng với hội chợ Tết Việt chào xuân 2019
“Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội” tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Hà Nội xây khu trưng bày gốm sứ tại Bát Tràng
Điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô
Nằm ở ngoại thành Hà Nội, Bát Tràng được biết đến bởi bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc. Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ… du lịch làng nghề Bát Tràng đang rất hút khách.
Cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, nghề gốm sứ truyền thống của Bát Tràng có nhiều điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu du khách tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa, làng nghề. Chủ động đón xu thế đó, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng đã thành lập các doanh nghiệp lữ hành, xây dựng cửa hàng, cửa hiệu, khu dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực để phục vụ du khách.
Khách đến tham quan làng nghề gốm sứ Bát Tràng sẽ được trải nghiệm ba loại hình sản phẩm chủ yếu gồm: Tìm hiểu và trải nghiệm, du lịch tâm linh và thưởng thức ẩm thực.
Chia sẻ về công tác phát triển du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Ngay sau khi nhận quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận Bát Tràng là điểm du lịch, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung quy hoạch lại không gian làng nghề. Một số hộ tập trung cho sản xuất, một số được địa phương hỗ trợ chuyển sang hoạt động dịch vụ, khai thác lưu trú, ẩm thực, tạo ra sự đa dạng dịch vụ tại Bát Tràng.
Để quảng bá, giới thiệu làng nghề đến với đông đảo du khách, Bát Tràng đã phối hợp phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm lập bản đồ ranh giới du lịch; lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống gốm sứ làng Bát Tràng là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đồng thời, làng nghề sẽ được tư liệu hóa, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, ẩm thực, nghề gốm sứ truyền thống… phục vụ công tác bảo tồn và giới thiệu với du khách.
Gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch
Là địa danh nổi tiến với nghề gốm sứ truyền thống nên Bát Tràng thu hút khá đông khách đến tham quan, mua bán. Ước tính mỗi năm, Bát Tràng đón khoảng 200.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 15%. Học sinh, sinh viên, thanh niên đến tham quan chiếm khoảng 40%. Đặc biệt mùa cao điểm dịp nghỉ lễ, có ngày Bát Tràng đón gần 10 nghìn lượt khách. Điều này cho thấy Bát Tràng là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May cho biết: “Việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại Bát Tràng được thành phố Hà Nội coi là vấn đề cốt lõi. Nhờ đó, địa phương đã quy hoạch lại tổng thể, đầu tư đồng bộ về giao thông, kết nối hạ tầng, điện, nước, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm sứ, quy trình sản xuất…
Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, Bát Tràng đã phối hợp với các công ty công nghệ triển khai du lịch 4.0, số hóa toàn bộ các dữ liệu về điểm di tích, tour du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn, giới thiệu làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ, phủ sóng wifi miễn phí tại 19 điểm tham quan tập trung đông khách du lịch, tiến tới phủ sóng trong toàn bộ xã…
Cùng với đó, xã Bát Tràng cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân để thuyết minh hướng dẫn du khách đến tham quan. Ngoài ra, xã cũng đã khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng, ra mắt các doanh nghiệp du lịch địa phương; tổ chức hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng...
Với những cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng, trong thời gian không xa, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.