Làng hương trăm tuổi xứ Huế
Thừa Thiên - Huế kiến tạo dữ liệu số thúc đẩy liên kết vùng Thừa Thiên - Huế: Tìm kiếm ý tưởng ứng dụng chuyển đổi số |
Mệ Tuyết là một trong những người đầu tiên nghĩ ra cách xòe những bó chân hương nhiều màu sắc, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa (Ảnh Đ.Minh) |
Xứ Huế mộng mơ là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa và lịch sử bao đời nay. Đến xứ Huế được ngắm cầu Trường Tiền, thăm Đại Nội, viếng các lăng tẩm và cảm nhận vẻ đẹp trầm mặc của những công trình lịch sử trường tồn theo thời gian. Ngoài ra, được thưởng thức ẩm thực Huế, thưởng thức nhã nhạc cung đình…
Giữ lửa nghề truyền thống
Ngày nay, các làng nghề truyền thống Huế vẫn đang tiếp nối cha ông để phát triển và lan tỏa các sản phẩm thủ công tinh hoa. Trong đó, làng hương Thủy Xuân đã tạo nên bản sắc độc đáo cho nghề làm hương xứ Huế nhờ sự sáng tạo, hiếu khách của người dân.
Không đơn thuần là nghề phát triển kinh tế, nghề làm hương trầm còn thể hiện được văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở vùng đất kinh thành linh thiêng. Làng hương Thủy Xuân không biết xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), nơi đây chuyên cung cấp hương trầm cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn và cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.
Những năm gần đây, làng hương là địa điểm quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến xứ Huế. Những người làm hương ngoài sản xuất hương trầm thủ công nay lại có thêm công việc bán hàng lưu niệm, đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (73 tuổi) được nhiều người gọi với tên trìu mến "mệ Tuyết" là một trong những người làm hương trầm lâu năm tại làng hương Thủy Xuân. Bà cho biết, đến nay gia đình trải qua nhiều đời làm nghề hương trầm, tuy không mang lại thu nhập cao như bao nghề khác nhưng là nghề truyền thống do cha ông để lại, mình có trách nhiệm phải giữ gìn.
Người dân làng hương Thủy Xuân gắn bó và phát triển nghề không chỉ vì kế sinh nhai mà còn say mê và trân quý nghề truyền thống của cha ông (Ảnh Đ.Minh) |
Đặc biệt, người dân làng hương Thủy Xuân không chỉ là các nghệ nhân làm hương mà còn là đại sứ du lịch Huế. Họ sẵn sàng giới thiệu, thuyết minh về các công đoạn làm hương và cho du khách trải nghiệm làm hương.
Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, người Việt quan niệm rằng thắp một nén hương lên bàn thờ là thể hiện sự thành kính với tổ tiên và thần linh. Do đó, hương là một sản phẩm văn hóa, tâm linh có ý nghĩa đặc biệt, nhất là hương của làng hương Thủy Xuân được làm thủ công từ cái tâm và đam mê của các nghệ nhân.
Đến đây, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một cây hương. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi.
Ngoài ra, còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Sau đó đến công đọan làm lõi hương. Lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn.
Được biết, tại Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 40 cơ sở sản xuất hương trầm, tinh dầu trầm và các sản phẩm mỹ nghệ trầm hương với tuổi đời hàng trăm năm.
Hương trầm Thủy Xuân có mùi thơm xa, khi đốt lên có mùi dịu nhẹ rất đặc trưng của xứ Huế mà không nơi nào có được.
Du khách quốc tế bày tỏ sự hào hứng khi mặc áo dài cổ phục, tham quan các gian hàng tại làng hương Thủy Xuân (Ảnh Đ.Minh) |
Khi làng hương làm du lịch
Trước đây, hương trầm chỉ có 2 màu nâu và đỏ. Nhưng để bắt mắt du khách, những nghệ nhân cần mẫn đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm chông. Từng bó chông hương với đủ loại màu sắc, xòe thành từng chùm, dựa vào nhau rồi tỏa ra như những đóa hoa và cứ thế níu chân không biết bao đoàn du khách.
Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, nơi cửa ngõ cụm du lịch như: Lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân là địa điểm thu hút đông đảo du khách.
Ở đây không thu tiền khách chụp hình mà các hộ kinh doanh hỗ trợ du khách mượn miễn phí quạt, nón lá. Các hộ ở đây chỉ lấy tiền cho thuê áo dài cổ phục, bán hàng lưu niệm…
Thu nhập từ việc cho thuê áo dài và mua hàng lưu niệm mỗi ngày của mỗi hộ kinh doanh từ vài trăm nghìn cho đến khoảng 1 triệu đồng.
Mê mẩn vẻ đẹp từ những đóa hoa tre, anh Bryan (quốc tịch Pháp) hào hứng nói "Tôi biết đến làng hương Thủy Xuân qua lời giới thiệu của một người bạn, trực tiếp đến đây rồi mới thấy thật ấn tượng.
Không gian quá rực rỡ, tôi sẽ thuê một bộ áo dài cổ phục để lưu lại những bức ảnh thật đẹp tại làng nghề này. Không cần quá nhiều phụ kiện, có thể chỉ là chiếc quạt, hoặc nón lá là mình đã có ngay bộ ảnh yêu thích”.
Không phải du khách nào đến làng hương Thủy Xuân cũng chỉ vì những bó hương sắc màu sặc sỡ. Nhiều người đến để tìm mệ Tuyết khi nghe câu chuyện suốt 10 năm qua tất cả lợi nhuận từ việc bán hàng, mệ sử dụng giúp đỡ bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Với cách làm du lịch sáng tạo, làng hương Thủy Xuân vừa gìn giữ được nghề truyền thống vừa phát triển kinh tế từ du lịch (ảnh Đ.Minh) |
Là một trong những người đầu tiên làm hương vừa kết hợp làm du lịch mệ Tuyết kể, cách đây nhiều năm, có một đoàn khách nước ngoài đến tham quan. Khi trở về, nhiều người trong đoàn khách đã dừng lại bên quầy hàng của mệ Tuyết để chụp hình. Họ đã vô cùng thích thú với những bức ảnh đẹp bên cạnh những bó chân hương nhiều màu sắc.
Từ đó mệ Tuyết đã nảy sinh ý tưởng ngoài làm hương để kiếm tiền thì việc tạo không gian cho du khách chụp hình cũng là cách để tăng thêm thu nhập. Từ đó, mệ Tuyết bắt đầu đưa các bó chân hương nhiều màu sắc ra bày trí ở phía trước gian hàng sao cho bắt mắt.
Ai tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh thấy đẹp đều ghé vào gian hàng của mệ để chụp hình, các hộ làm nghề khác thấy thế cũng làm theo.
Nhận thức việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, chị Đặng Thảo Nguyên (37 tuổi) chia sẻ, bản thân chị đã có hơn 19 năm làm nghề hương trầm này. Nhờ kết hợp phát triển du lịch, thu nhập của gia đình cải thiện hơn nhiều so với trước đây.
“Ở làng hương Thủy Xuân không có quy định nào về thu phí, có nhiều khách cũng tuỳ tâm ủng hộ hoặc là uống nước giải khát, mua những món hàng lưu niệm tại quầy, về giá thuê cổ phục từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng”, chị Thảo cho biết thêm.
Bên cạnh những điểm đặc sắc của nghề làm hương trầm Thủy Xuân, con người vùng đất nơi đây còn thể hiện được những nét văn hóa đặc trưng của Huế đến với du khách, thể hiện qua cách tiếp đón lịch thiệp, nhã nhặn. Tất cả tạo nên một làng nghề hương trầm Thủy Xuân níu chân du khách khi đến với vùng đất cố đô.