Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng BHXH
Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định rõ, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Ảnh minh họa: Internet)
Bài liên quan
Bước đột phá của ngành Bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Không ngừng cải cách, đổi mới phục vụ người dân
Bảo hiểm xã hội tự nguyện mang đậm tính nhân văn, nhân đạo
Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng: Công bố Quyết định về công tác cán bộ mới
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong văn bản này khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu như quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành.
Người lao động nước ngoài thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Tuy nhiên, trước mắt, nhóm đối tượng này sẽ tham gia ba chế độ BHXH là ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/12/2018. Còn các chế độ về hưu trí và tử tuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Còn điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Người lao động nước ngoài được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Từ ngày 1/1/2022, hằng tháng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Còn phía người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng từ thời điểm nêu trên.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề, áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Bài liên quan
Xử lý nghiêm các đơn vị cố tình nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động?
Lao động thời vụ có phải mua bảo hiểm thất nghiệp không?