Lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương về mô hình chính quyền đô thị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Dự hội thảo có các đồng chí phó trưởng các ban Đảng Trung ương; phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội; thứ trưởng một số bộ; lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc các bộ, ngành trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; trưởng các ban Đảng; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng về nội dung dự thảo đề án. Trên cơ sở sự tham gia đóng góp ý kiến tại 8 hội thảo đã được tổ chức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Đề án đã tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị của các quốc gia trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia và học tập kinh nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, một số địa phương khác. Đề án nhằm mục tiêu xây dựng một mô hình quản lý chính quyền đô thị TP Hà Nội - đô thị đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn); thực hiện nghiêm túc Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, bảo đảm thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Ban Thường vụ Thành ủy rất mong muốn, với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, với kết quả nghiên cứu của các đồng chí, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trung ương, hội thảo sẽ đóng góp cho thành phố những ý kiến quý báu. Ý kiến của các đồng chí sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để Ban Thường vụ và Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để TP Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả”.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo. |
Tiếp theo, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án đã trình bày đề dẫn hội thảo.
Dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội gồm 4 phần, trong đó phần 1 là sự cần thiết và những căn cứ, cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng Đề án; phần 2 là thực trạng tổ chức chính quyền TP Hà Nội; phần 3 là định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; phần 4 là tổ chức thực hiện đề án.
Đáng chú ý, Dự thảo Đề án đề xuất 2 phương án định hướng thiết kế thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Tổ soạn thảo đề nghị, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội theo phương án 1. Nếu được tổ chức thực hiện theo phương án này thì có 2 phương án về lộ trình thực hiện, bao gồm: Thứ nhất là thực hiện thí điểm đồng thời việc không tổ chức HĐND tại xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; thứ hai là thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031.
Quang cảnh hội thảo. |
Phân tích kỹ, đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Đề án
14 đồng chí là phó trưởng ban Đảng Trung ương; phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thứ trưởng và đại biểu lãnh đạo các cục, vụ trực thuộc các bộ đã phát biểu góp ý trực tiếp cho Dự thảo Đề án.
Hầu hết các ý kiến đều có chung nhận định, việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong tình hình hiện nay. Dự thảo Đề án đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo chuẩn bị công phu, khoa học, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và quyết tâm tạo bước đột phá về đổi mới thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Phương án 1 với lộ trình thực hiện từ năm 2021 mà thành phố đề xuất cũng được hầu hết các ý kiến phát biểu đồng tình. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính khẳng định, việc xây dựng Đề án để tiến tới ban hành luật, xây dựng mô hình quản lý mới cho Hà Nội với những đặc thù là cần thiết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về nội dung Dự thảo Đề án. Đáng chú ý, về lộ trình thực hiện, có ý kiến cho rằng đến năm 2021 là muộn, cần chọn một số đơn vị hành chính để triển khai thí điểm ngay từ giai đoạn 2018-2020. Nhiều ý kiến khác cho rằng, thời điểm bắt đầu thí điểm từ năm 2021 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng. Có ý kiến cho rằng, nên thí điểm từng bước, lúc đầu là các quận, phường; sau đó đến các huyện, xã lân cận nội thành; cuối cùng mới tiến hành ở tất cả các địa phương còn lại. Nhưng một số ý kiến khác đề nghị nên làm đồng bộ cả thành phố, vừa tránh thực hiện “thí điểm trong thí điểm”, vừa bảo đảm tính đại diện cao. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai việc sáp nhập các xã, vì vậy, Dự thảo Đề án nên tính đến việc này. Ông cũng đề nghị, Dự thảo Đề án nên đánh giá sâu hơn về việc phân cấp, phân quyền giữa cấp trên và cấp dưới. Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Việt Hùng đề nghị, dự thảo đề án cần làm rõ thêm về việc huy động sự tham gia của người dân vào công tác quản lý của chính quyền. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, mô hình hay đến mấy mà đội ngũ cán bộ yếu thì cũng không đạt được mục tiêu; do đó, Dự thảo Đề án phải nghiên cứu, viết kỹ hơn về công tác cán bộ, lượng hoá để bảo đảm mô hình chính quyền đô thị được thực hiện hiệu lực, hiệu quả.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần rà soát để bảo đảm các khái niệm sáng rõ, viết kỹ hơn phần mục tiêu, quan điểm và đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cho dù mô hình nào, lộ trình ra sao.
Kết thúc phần thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, các đại biểu gửi lại văn bản góp ý cho Tổ soạn thảo Đề án để tiếp thu, hoàn thiện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo. |
Xem xét kỹ càng, tiếp tục hoàn thiện
Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến phát biểu trực tiếp và bằng văn bản của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Chúng tôi rất vui mừng khi các đồng chí đều khẳng định việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng”. - đồng chí Hoàng Trung Hải nói.
Dành thời gian phân tích, trao đổi về từng ý kiến các đại biểu nêu, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, chính quyền đô thị không phải vấn đề mới, đã nêu ra tìm tòi xây dựng, thí điểm từ nhiều nhiệm kỳ, ở nhiều địa phương, nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Nhu cầu xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân, có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới thì ở địa phương nào cũng có, nhưng để đi đến đồng thuận và thực hiện thì không dễ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề án, trong đó thể hiện rõ mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị như các đại biểu góp ý. Đó là chính quyền đô thị Hà Nội tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công khai, minh bạch; có đủ thẩm quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; giải quyết tốt hơn những yêu cầu của người dân; bảo đảm được an toàn và môi trường bình yên cho người dân; đáp ứng yêu cầu phát triển; là chính quyền điện tử, thông minh; chính quyền xanh; phát huy được tiềm năng của địa phương, của người dân cũng như của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phạm vi thí điểm là toàn thành phố; coi cả Hà Nội là một thực thể chính quyền đô thị chứ không có chính quyền đô thị ở nội thành bên cạnh một chính quyền nông thôn TP Hà Nội.
Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án khẳng định, thành phố sẽ chuẩn bị kỹ hơn các nội dung liên quan đến các phương án thí điểm, lộ trình, nguồn lực vật chất và con người để thực hiện Đề án, bảo đảm thuyết phục và tính khả thi cao.