Lễ hội Bình Đà - cùng hướng về nguồn cội, tri ân tiền nhân
Huyện Phúc Thọ dần đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp |
Dấu tích Lạc Long Quân ở Thủ đô Hà Nội
Di tích Đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là nơi duy nhất của Thủ đô Hà Nội thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân cùng 50 người con xuôi đường ra biển, đến đất Bình Đà, thấy thế đất nơi đây màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn quyết chọn đất này làm nơi dựng xây cơ nghiệp.
Những hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Bình Đà (Ảnh: FB Lễ hội Bình Đà) |
Ngày ngày, Lạc Long Quân cùng các con dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đuổi diệt thú dữ. Ngài lại truyền cho các con lựa chọn dân chúng khỏe mạnh, tỏa đi khắp vùng duyên hải khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi…
Đền Nội Bình Đà |
Vào một ngày cuối tháng hai lịch trăng, Lạc Long Quân hóa trong đêm. Cảm thương và tỏ lòng tri ân với người có công khai phá vùng đất này, dân chúng cùng nhau tổ chức tang lễ linh đình, táng Ngài ở gò đất cao nhất vùng, lập miếu quanh năm hương khói phụng thờ Ngài và tôn vinh là Thành hoàng của làng.
Kể từ đó, hàng năm, cứ vào đầu tháng ba Âm lịch, người dân Bình Đà lại cùng nhau mở hội làng với hình thức tôn nghiêm nhất để tưởng nhớ và tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Nối tiếp mối nhân duyên gắn kết từ nguồn cội đó, nhiều chục năm nay, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) - nơi thờ Tổ mẫu Âu Cơ và Bình Đà (Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) - nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân thường xuyên có sự gắn bó, đặc biệt vào mỗi dịp lễ hội.
Lễ hội lâu đời, đậm đà bản sắc truyền thống
Hội Bình Đà có từ khoảng thế kỉ XI. Hội Bình Đà là hội liên khu vực, bao gồm toàn bộ cộng đồng dân cư 7 thôn: Thượng, Chằm, Chợ (xóm Cao Thị, nơi có đình Ngoại), Chua, Quyếch (xóm Đường Quyếch, nơi có đền Nội), Đìa (xóm Phượng Trì) và Dộc.
Lễ hội truyền thống Bình Đà trước đây được mở chính thức từ ngày 24 tháng hai đến ngày mùng 6 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 26 tháng hai là ngày giỗ Thành hoàng làng (Linh Lang Đại Vương thờ tại đình Ngoại), còn từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng ba là lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân tại đền Nội.
Ngày 26 tháng Hai được truyền là ngày hóa của Đức Thánh Linh Lang cũng là ngày Đệ niên kỷ niệm Đương Cảnh Thành Hoàng. Ngay từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, dân chúng 7 thôn trong làng phải cùng nhau rước lễ thôn mình ra đền Nội, mỗi thôn biện 2 lễ: Một mặn và một chay. Chỉ có lễ chay (oản, hoa quả, trầu cau và rượu) được phép dâng tiến ban thờ Đại bái đền Nội. Tế xong, cả 7 thôn mới rước lễ mặn ra dâng ở đền Ngoại.
Ngày mồng Một tháng Ba, người dân tổ chức các tục lệ dâng Mã, rước Mã, đón Mã rất long trọng và trang nghiêm. Mã trong lễ rước là Mã cung đình, được đặt hình thành quách dưới thủy cung và hình cây vàng (tượng trưng cây thóc), cây bạc (tượng trưng cây gạo).
Theo thông lệ hàng năm, các giáp, dòng họ hoặc gia đình đăng ký cung tiến theo thứ tự, hội đồng trưởng lão của làng xét duyệt. Ai được duyệt mới được cung tiến Mã có cây vàng, cây bạc ra nhà văn chỉ, đợi đến chiều mới có 6 kiệu được rước ra nhận Mã. Sau đó họ mới cùng nhau rước về ban thờ Quốc Tổ ở đền Nội và Đương Cảnh Thành Hoàng ở đền Ngoại làm lễ tế. Mã được thờ tròn một năm, đến kỳ hội sau mới được hóa.
Ngày mùng hai, mùng ba, mùng bốn dân làng làm lễ Nhật luân nhập tịch kỳ phước. Ngày mùng năm dân làng tổ chức lễ phần Mã ký hoàn. Thôn được chọn đứng tu lễ ra đền Nội, làng tế lễ xong lại tiếp tục làm lễ hóa Mã của năm trước.
Sau khi hóa mã xong, dân làng cử người rước sắc ba kiệu Long đình, Giá cỗ và bát cống (trong kiệu Bát cống có bát hương đại diện Quốc tổ) ra đền Ngoại. Đến nơi, bát hương và lễ vật được dâng tiến vào Đại đình. Tế lễ xong, dân thôn hóa Mã năm trước tại Đền.
Buổi chiều, lễ hội diễn ra náo nhiệt. Các kiệu của đền Nội hợp cùng ba kiệu của đền Ngoại hành tiến giữa rợp trời cờ thần, chấp kích và náo nhiệt tiếng trống chiêng, phường bát âm, tiếng dân làng hò reo rước Đương Cảnh Thành Hoàng Linh Lang Đại Vương về đền Nội dự hội.
Tối mùng năm, dân làng tiến hành làm lễ Trào. Theo tục, chập tối, cửa đền tạm khép, nội bất xuất, ngoại bất nhập sau một tuần nhang, chỉ có quan tế chủ hai đền Nội - Ngoại và người đứng đầu chính quyền dự lễ. Quan tế hai đền hành lễ mật cúng, thỉnh mời các bậc thánh hiền và truyền thông điệp khẩn cầu của dân tới các Thành Hoàng và bách thần, cầu phúc, cầu an cho bàn dân thiên hạ.
Ngày mùng sáu diễn ra các cuộc đại tế của lễ hội. Khởi đầu là lễ tế cộng đồng trước hương án có bát nhang Đức Quốc Tổ và Đương Cảnh Thành Hoàng. Sau đó làm lễ tế Thiên Quan, bao gồm tế lễ trời đất và lễ khao quan, khao các vong hồn phiêu lạc.
Lễ rước và thả bánh Vía/bánh Thánh là một tập quán của làng từ xa xưa. Theo lời các cụ cao niên trong làng, bánh Thánh được làm vào ngày mồng Năm bằng gạo nếp và 100 vị thuốc bắc. Bánh chỉ được người con trưởng của dòng họ Nguyễn Văn trong làng làm với công thức và hình dáng được hướng dẫn bằng mật khẩn. Bánh làm xong được trùm vải đỏ kín để không ai được nhìn thấy.
Dụng cụ làm bánh chỉ được dùng một lần. Bánh phải được nấu chín bằng củi tre nhưng phải là cây tre khô trong bụi tre chặt về. Bánh sau khi dâng Đức Quốc tổ với hình thức mật cúng, được rước trang trọng và thả xuống Giếng Ngọc (giếng Chùa Cả). Nơi thả bánh cũng phải quây kín để không ai thấy.
Tương truyền giếng Ngọc có long mạch thông với long cung nên bánh Thánh được thả ở giếng Ngọc sẽ đến được với Đức Quốc tổ. Thả bánh Thánh xong, nhà đền tổ chức lễ dâng hương cho các cấp chính quyền, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về Đức Quốc Tổ và những bậc tổ tiên có công với dân, với nước. Buổi chiều, ba kiệu đền Ngoại được tổ chức long trọng rước Đương Cảnh Thành Hoàng hoàn cung và làm lễ tế yên vị tại đền Ngoại.
Vào ngày mùng bảy tháng ba, dân làng làm lễ cất kiệu ở đền Nội và tổ chức lễ tạ, kết thúc hội.
Điểm nhấn phát triển du lịch văn hóa tâm linh của huyện Thanh Oai
Những năm gần đây, theo quy chế tổ chức lễ hội của Chính phủ, hội đền Quốc Tổ Lạc Long Quân chỉ dồn mở trong 3 ngày, từ mùng bốn đến mùng sáu tháng ba Âm lịch hàng năm và chung cho cả hai đền.
Một điểm đáng phấn khởi và tự hào đối với mỗi người dân xã Bình Minh nói riêng, huyện Thanh Oai và Thủ đô Hà Nội nói chung, đó là năm 2014, lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia”; Năm 2015, bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và nhân vật thời kỳ Hùng Vương hiện đang được lưu giữ tại Đền Nội đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Cận cảnh Bảo vật quốc gia bức giá (Phù điêu) tượng tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân |
Lễ hội đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân mang giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Từ huyền thoại bước vào tâm thức lịch sử của cộng đồng, điện thờ và cũng là nhân vật được vinh danh tại trung tâm lễ hội đã góp phần khởi dựng lại bóng dáng lịch sử Việt Nam thời dựng nước, hàm chứa trong đó một loạt biểu tượng văn hóa, hình thành nên một hệ biểu tượng văn hóa Việt Nam. Điều này khởi nguồn cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu nước, yêu quê hương, sống vì đạo lý nhân nghĩa và biết tri ân, kính trọng những người có công với dân với nước.
Bên cạnh đó, những kiến trúc cổ, các di vật từ nhiều thế kỷ trước đã mang lại những giá trị nghệ thuật văn hóa sâu sắc và độc đáo của lễ hội. Đặc biệt là bức phù điêu Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với nhiều lớp hình ảnh được chạm khắc, trong đó, theo truyền ngôn có từ gần nghìn năm trước hiện đang được lưu giữ trong hậu cung đền Nội. Đây là hiện vật cổ xưa mang giá trị nghệ thuật rất sâu sắc, trở thành bảo vật cho giới nghiên cứu và du khách.
Với giá trị to lớn đó, Lễ hội Bình Đà trong đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là di tích đền Nội hiện nay đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng cấp di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt và trở thành điểm nhấn trong văn hóa để phát triển du lịch văn hóa tâm linh của huyện Thanh Oai. Đây thực sự là lễ hội văn hóa du lịch, kết nối, tiếp truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là điểm đến mong chờ của du khách xa gần trong hành trình du Xuân.