Lễ hội đền Cổ Loa được tổ chức quy củ hơn
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dâng hương tại Đền Cổ Loa |
Bày tỏ niềm vui mừng xen lẫn tự hào, chị Đỗ Thị Thảo, một người dân của huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: "Hầu như năm nào tôi cũng đi hội Đền Cổ Loa. Năm nay, Lễ hội Cổ Loa và được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia khiến người dân Đông Anh chúng tôi rất vui.
Điều khiến tôi tâm đắc nhất của lễ hội năm nay là Ban tổ chức đã quy định các hàng rong, hàng ăn uống vào khu riêng, bớt đi tình trạng nhốn nháo như mọi năm.
Đông đảo du khách đến tham dự lễ hội Đền Cổ Loa |
Đặc biệt, các trò chơi mang tính may rủi như bầu cua tôm cá... đã không còn xuất hiện khiến không khí trang nghiêm, tươi vui của lễ hội được đảm bảo.
Tôi thấy rất vui vì đến đây được thành kính tưởng nhớ vua An Dương Vương, các tướng Cao Lỗ, hướng dẫn các con tìm hiểu thêm về lịch sử đất nước mình chứ không bị các trò chơi hay các hàng quán chèo kéo ảnh hưởng đến tâm trạng khi đi lễ, đi hội nữa".
Các cửa hàng ăn uống được bố trí ở khu riêng |
Bạn trẻ Lã Khắc Đông cùng bạn gái đến từ Sóc Sơn, Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên mình đến với hội Đền Cổ Loa nhưng cảm thấy rất hài lòng vì các nơi gửi xe được Ban tổ chức bố trí hợp lý. Đa phần người dân vẫn tuân thủ phòng chống dịch, có đeo khẩu trang và thấy chỗ nào đông người thì tự động tản ra.
"Khung cảnh lễ hội đẹp mắt, các bảng biển hướng dẫn cụ thể nên chúng mình tìm hiểu được thêm nhiều kiến thức khi đến nơi này", Lã Khắc Đông chia sẻ.
Du khách đến dâng hương, vãn cảnh đa phần đều tuân thủ phòng, chống dịch |
Lễ hội Đền Cổ Loa là lễ hội truyền thống lớn nhất của mảnh đất Đông Anh, đồng thời cũng là trải nghiệm hấp dẫn khách du lịch Hà Nội mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Vào mùng 6 tháng Giêng người dân vùng Bát xã (Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép) cùng thờ chung vua An Dương Vương lại tấp nập chuẩn bị lễ vật để tổ chức ngày Lễ hội đền Cổ Loa. Lễ hội được bắt đầu từ sáng sớm mùng 6 Tết đến hết ngày 18 tháng giêng.
Tương truyền rằng ngày 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung, ngày 9 tháng giêng là lễ khao quân nên người dân thành Cổ Loa đã lấy ngày mùng 6 làm chính hội để tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương.
Hoạt động viết chữ thư pháp tại sân Đền |
Đặc biệt, lễ hội đền Cổ Loa cũng được minh chứng tầm quan trọng với người dân Đông Anh qua câu nói vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mùng 6 tháng giêng”.
Lễ hội gồm các nghi thức rước, tế lễ theo truyền thống của Bát xã Loa thành (nay là 4 xã: Cổ Loa, Liên Hà, Uy Nỗ, Xuân Canh). Ngoài phần lễ trang nghiêm để thể hiện lòng thành kính đối với các bậc thánh thần, thì Lễ hội Đền Cổ Loa còn có nhiều hoạt động vui hội, như: Cờ người, đu tiên, bắn nỏ, đấu vật, hát tuồng, quan họ, múa rối… và nhiều trò chơi dân gian khác.