Lễ hội Tây Thiên Tam Đảo: Về với Quốc mẫu để được che chở và yêu thương
Hành trình “đến với Phật, về với Mẫu”
Quần thể khu di tích danh thắng Tây Thiên được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên.
Quốc Mẫu Tây Thiên là một trong hai vị Quốc Mẫu của Việt Nam được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Theo truyền thuyết, khi vua Hùng Vương thứ bảy tới Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) để lập đàn cầu cho quốc thái dân an. Tại đây nhà vua đã gặp và kết duyên với cô sơn nữ Lăng Thị Tiêu – người con gái được sinh ra từ khí thiêng sông núi Tây Thiên, đẹp như Tiên giáng trần. Bà được sắc phong làm Hoàng phi.
Khi còn sống, Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã phò vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Khi mất, bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu.
Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).
Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, hàng ngàn du khách không ngại vượt đường xa hành hương về tham dự Lễ hội Tây Thiên, thắp hương tưởng nhớ Quốc Mẫu để mong được hưởng sự may mắn, chở che"
Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong quần thể tín ngưỡng tôn giáo ở đây có vai trò đặc biệt, giữ gìn và phát huy sức sống vô biên của Đạo Mẫu Việt Nam. Với nhiều người hành hương về trước mẫu là hành trình tìm về, cầu mong sự chở che từ lòng mẹ bao dung…
Với các giá trị về lịch sử, tín ngưỡng và cảnh quan thiên phú, khu danh thắng Tây Thiên vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài thắng cảnh hữu tình, Tây Thiên còn được biết đến là điểm khởi đầu của sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian thông qua đạo thờ Quốc Mẫu. Điều đó minh chứng cho sức sống và vị thế của hình tượng Quốc Mẫu Tây Thiên nói riêng và bản sắc văn hóa địa phương nói chung trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của người Việt.
Bên cạnh đền thờ Quốc Mẫu, Tây Thiên còn có nhiều ngôi đền thờ các vị Mẫu thần nổi tiếng cai quản trời, đất, núi, rừng như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn. Đây là lý do khu danh thắng Tây Thiên luôn được du khách ví như nơi “đến với Phật, về với Mẫu”. Ông Diệp Xuân Tư, Trưởng Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên phân tích, đến với Phật là đến với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc; còn về với Mẫu (đền thờ Quốc Mẫu) là được về trong lòng mẹ, được mẹ chở che, ban cho sức khoẻ, yêu thương, tài lộc. “Đây chính là điểm khác biệt và độc đáo giữa Tây Thiên với nhiều khu thờ tín ngưỡng khác khi du khách hành hương đến đó chỉ nói đến chứ không phải là về”, ông Tư nêu sự khác biệt.
Đường lên cõi thiên, vãn cảnh tiên…
Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nằm trong quần thể Khu di tích danh thắng Tây Thiên là nơi chứa đựng vẻ đẹp của văn hoá tâm linh kết hợp với nét hài hoà của phong cảnh hữu tình say đắm lòng lòng người mà thiên nhiên ban tặng. Giữa đất trời, núi rừng bao la hùng vĩ, Tây Thiên như được tọa lạc ở “chốn bồng lai tiên cảnh”. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình và ngoạn mục đẹp trong từng giây, từng khoảnh khắc. Đó là cảnh núi rừng nguyên sơ, là những ngôi Cổ tự, Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn hay nguồn Bát Nhã tuyền róc rách ca lên khúc nhạc hoàn hương từ vô thủy. Xa xa dòng Thác Bạc trắng xóa như dải ngân hàng vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm tạo nên một bầu không khí thanh bình.
Đến đây, du khách như lạc vào chốn tiên cảnh huyền bí, những màn sương mù vấn vương đang tan chầm chậm, cảnh vật như hòa quện vào nhau, một cảm giác thoáng đạt, du dương và mơ hồ… Du khách đến đây vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp của xứ sở sương mù, vừa để được trở về với cõi tâm linh phật giáo. Vì vậy, những người hành hương tới đây, luôn tin rằng đây là nơi gần cõi thiên nhất và cứ thế những nguyện ước của họ sẽ được chứng tâm, trở thành hiện thực...
Bởi vậy mà từ lâu Tây Thiên đã trở thành một điểm hẹn du lịch tâm linh thú vị cho đông đảo du khách nhờ có cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”… Hiện nay, cùng với hệ thống cáp treo, Cty CP Đầu tư Lạc Hồng không ngừng đầu tư hạ tầng, phát triển khu danh thắng Tây Thiên cho tương xứng là nơi khởi điểm của đạo Mẫu kết hợp với đạo Phật. Từ đó, nhiều công trình, di tích do Lạc Hồng đầu tư như: Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên; khu danh thắng Tây Thiên; quán nghỉ chân Tây Thiên; hệ thống đường và xe điện đưa du khách tham quan, di chuyển và gần chục công trình hạ tầng khác lần lượt được đưa vào sử dụng, phục vụ du khách thập phương.
Hằng năm, Khu di tích danh thắng Tây Thiên thu hút hàng trăm nghìn khách tới hành hương, thưởng ngoạn. Qua đó, Tây Thiên đã và đang khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa vốn có.
Vẻ đẹp ấy đã được lưu danh trong những câu ca “Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên, mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về”. Thật may mắn cho ai từng được đến Tây Thiên để khám phá những điều huyền bí và linh thiêng của vùng đất này cũng như thỏa ước nguyện về một cuộc sống an lành, hạnh phúc.