Liên tiếp các ca trẻ ngộ độc do uống nhầm hoá chất
Uống nhầm dầu thắp hương, trẻ 16 tháng hôn mê, suy giảm tri giác
Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi D.B (18 tháng tuổi, Yên Bái) và G.K (16 tháng tuổi, Thái Nguyên) vào viện. Qua khai thác gia đình cho thấy cả hai trẻ đều uống nhầm dầu đựng trong những chai, lọ được gia đình sang chiết nhưng không dán nhãn và để trong tầm hoạt động của trẻ.
![]() |
Bệnh nhi ngộ độc vì uống nhầm dầu thắp hương đang được thở máy và chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương |
Sau khi gia đình phát hiện đã lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu ban đầu. Sau đó các trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, trẻ được điều trị thở máy chống suy hô hấp, sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng 2 bệnh nhi đã tiến triển tốt, tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.
Tình trạng trẻ uống nhầm dầu đựng trong các chai lọ không dán nhãn mác đã xảy ra không ít lần dù các chuyên gia y tế, các bệnh viện đã thường xuyên cảnh báo.
Hậu quả của việc này gây ra cũng rất khó lường, có thể khiến trẻ ngộ độc tiêu hóa, rối loạn nhiều chức năng cơ quan trong cơ thể, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sặc dầu vào phổi gây hoại tử, xẹp phổi, nhiễm khuẩn dẫn đến suy hô hấp đe dọa tính mạng và có thể để lại di chứng nặng nề lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ uống nhầm dầu thắp, gia đình không được cho uống nước, uống sữa và móc họng để trẻ nôn, mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, cấp cứu và điều trị phù hợp.
Điều quan trọng nhất để tránh tai nạn uống nhầm dầu thắp: các gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ dầu trong nhà; nếu cần phải dự trữ, không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát; cần phải để dầu thắp ở nơi tránh tầm tay trẻ em: để trên cao, trong tủ có khóa…
Hàng loạt trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột, có ca tổn thương não, tim
Cũng trong thời gian vừa qua, khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp tiếp nhận và điều trị 8 trường hợp trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột.
Đó là chùm ca bệnh gồm 2 bé trai (8 tuổi và 10 tuổi, ở Hòa Bình), phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt chuột. Qua khai thác thông tin từ gia đình, được biết 2 trẻ đã ăn nhầm trứng gà được tiêm thuốc diệt chuột mà gia đình dùng để làm bẫy chuột.
![]() |
Thuốc diệt chuột màu hồng khiến trẻ dễ nhầm với nước ngọt |
Sau 3-4 giờ, cả 2 trẻ cùng xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám sau đó các trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ xác định trẻ bị ngộ độc thuốc diệt chuột chứa thành phần Bromadiolone, đây là một chất gây rối loạn đông máu kéo dài. Sau 1 tuần điều trị và theo dõi tại khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai cháu đã ổn định và được ra viện.
Một trường hợp khác ngộ độc thuốc diệt chuột khác cũng được điều trị tại Khoa Cấp cứu và Chống độc là trường hợp bé gái (3 tuổi, ở Hà Tĩnh). Sau khi vô tình uống thuốc diệt chuột dạng ống do bà dùng để bẫy chuột, trẻ xuất hiện nôn nhiều nhưng vẫn tỉnh táo.
Đến ngày thứ 3 sau uống, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng suy giảm tri giác, co giật. Sau khi trẻ được sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh, trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Trẻ vào viện trong tình trạng tổn thương thần kinh, co giật, kích thích, vận động bất thường…
Đáng chú ý có 1 chùm ca bệnh gồm 5 trẻ (độ tuổi từ 7-9 tuổi, ở Tuyên Quang) nhập viện cùng một ngày do ngộ độc thuốc diệt chuột. Qua khai thác, 1 trong số các trẻ này đã nhặt được một số ống thuốc màu đỏ để trong túi bóng ở đồi chè cạnh trường và chia cho các bạn cùng uống.
Sau uống các trẻ xuất hiện nôn, đau bụng, đau đầu, thậm chí có trẻ bị co giật… được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, các trẻ đều được xác định chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột fluoroacetat dựa trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm độc chất. Trẻ được theo dõi sát và điều trị tích cực. Hiện tại sức khỏe các trẻ tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần được các bác sĩ theo dõi sát đề phòng các biến chứng nguy hiểm.
Cùng với nhóm trẻ này còn có 32 trẻ khác đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ cũng đang dần ổn định. Hầu hết là học sinh trường Tiểu học Phú Bình, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang).
Trước đó, vào ngày 21/1, các em đã sang đồi chè sát cạnh trường để chơi và tìm thấy một túi chứa rất nhiều ống nhựa màu đỏ và màu xanh, các em lấy một ống mang về trường và rủ bạn uống. Sau đó, các trẻ khác nhặt được một túi chứa nhiều ống màu hồng từ bụi cây bên trong cổng trường và chia nhau uống.
![]() |
Các bệnh nhi được theo dõi tại bệnh viện Bạch Mai.Ảnh: BVCC. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm cho thấy đây là vụ ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide. Ngoài ra, các bác sĩ theo dõi, đánh giá thêm nguy cơ ngộ độc các chất khác vì có cả ống thuốc màu xanh trong túi thuốc diệt chuột được các học sinh mang về.
Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ nước ngoài, thường ở dạng ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, không màu, màu nâu hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có chữ nước ngoài.
Đây là loại hóa chất có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ canxi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.
Bác sĩ Nguyên cho biết, hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao và đã bị cấm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn được bán rong hoặc trên mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, các loại hoá chất đều nguy hiểm đối với trẻ, đặc biệt là những loại hoá chất có màu sắc và đựng trong các loại chai nhựa tận dụng sau khi uống nước ngọt. Điều này dễ khiến trẻ nhầm lẫn, do đó để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ, người giám hộ không được chủ quan, cần phải để ở trên cao, tránh xa tầm với của trẻ em...
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thêm một trường hợp nguy kịch vì uống nước kiềm chữa "bách bệnh"

Tuổi trẻ ngành y tế xung kích vì sức khỏe cộng đồng

Thu hồi thuốc Pyfaclor Kid vi phạm mức độ 3

Đợt cao điểm tuyên truyền Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động

Trong năm nay, ngành y tế phải đưa thêm 1.000 bác sĩ về cơ sở

Phấn đấu 100% trạm y tế hoạt động nguyên lý y học gia đình

Nâng cao năng lực dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh ung thư

Phát động phong trào thi đua cải cách hành chính ngành y tế

Bệnh nhân nặng hơn 100kg hôn mê sâu nguy kịch sau uống rượu
