Liên tiếp dính hàng loạt sai phạm tại các dự án, Vạn Phát Hưng hoạt động kinh doanh ra sao?
Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án KDC Lacasa (Quận 7, TP HCM) |
“Cầm đèn chạy trước ô tô”
Tại Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP (KLTT) vừa qua của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; Việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nhiều dự án. Trong đó, dự án Khu dân cư Lacasa (phường Phú Thuận, Quận 7) do Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (Vạn Phát Hưng) làm chủ đầu tư là rất điển hình, với hàng loạt sai phạm cả trong công tác quản lý Nhà nước và từ phía doanh nghiệp.
Theo KLTT, từ năm 2001 đến năm 2014, Vạn Phát Hưng đã tự thực hiện đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 5,8ha của 15 hộ cá nhân và một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngày 1/11/2010, Vạn Phát Hưng mới được UBND TP HCM chấp thuận giao đất và chấp thuận cho chủ đầu tư được sử dụng khu đất hơn 6,1ha tại phường Phú Thuận, Quận 7 để xây dựng khu nhà ở (Khu dân cư Lacasa sau này - PV) bằng Quyết định 4883/QĐ-UBND.
Theo Thanh tra Chính Phủ, việc Vạn Phát Hưng tự thực hiện đền bù trước khi có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư và có quyết định giao đất của UBND TP HCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai và Nghị định 22/1998 của Chính phủ.
Cũng theo KLTT, Vạn Phát Hưng khởi công thi công khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là vi phạm Điều 3 Quyết định số 5642/QĐ-UBND ngày 14/11/2014 của UBND TP HCM. Đồng thời, chủ đầu tư đã tự ý thực hiện thi công công trình tầng hầm mở rộng liên kết giữa các khối chung cư 3A-3B, 4A-4B, 6A-6B (bên trên là đường giao thông nội bộ và hồ điều tiết của dự án) khi không được UBND TP HCM cho phép.
Ngoài ra, Vạn Phát Hưng đã tiến hành xây dựng không đúng với quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 152/QĐ-UBND về điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, ngày 25/12/2015 của UBND Quận 7 và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là vi phạm Điều 106, Luật Xây dựng 2014.
Được cơ quan chức năng ưu ái?
Cũng tại dự án Khu dân cư (KDC) Lacasa, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt vi phạm, trong đó có liên quan cơ quan chức năng địa phương.
Cụ thể, KLTT nêu rõ, UBND TP HCM không thực hiện việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư (năng lực về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính) là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 4, Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 21/3/2008 của UBND TP HCM; Khoản 2, Mục IV, Phần thứ nhất Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và điểm b, khoản 2, Điều 12 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngày 25/12/2015, UBND Quận 7 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 bằng Quyết định số 152/QĐ-UBND; Tuy nhiên, các chỉ tiêu quy hoạch điều chỉnh không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trước đó đã được UBND Quận 7 phê duyệt tại Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 4/5/2010.
Cụ thể, UBND Quận 7 phê duyệt diện tích đất ở là 61.280m2, dẫn đến hệ số sử dụng đất chung toàn khu tăng lên thành 6,99 trong khi theo quy hoạch 1/2000 quy định hệ số sử dụng đất tối đa là 5, điều này đã vi phạm quy định tại Điều 3, Điều 5, Luật Quy hoạch đô thị. Đồng thời, UBND Quận 7 phê duyệt khối hỗn hợp thương mại - dịch vụ - văn phòng 28 tầng, có 1 tầng hầm diện tích 3.198m2 dành cho đỗ xe tương đương với 45 chỗ đỗ xe ô tô, thiếu 491 chỗ đỗ xe ô tô con là vi phạm Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam số 01:2008/BXD kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Phối cảnh dự án Khu dân cư Lacasa của Vạn Phát Hưng |
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 253/GPXD ngày 30/12/2016 giai đoạn 1 của Khối nhà 3A-3B, 4A-4B, 6A-6B và tầng hầm khối thương mại - dịch vụ - văn phòng có lưu trú - nhà trẻ của dự án được phép xây dựng 2 tầng hầm là không đúng với quy hoạch được phê duyệt. Cùng với đó, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tầng hầm khối thương mại - dịch vụ - văn phòng có lưu trú - nhà trẻ trong khi khối này chưa được UBND TP HCM chấp thuận tại Quyết định số 5191/QĐ-UBND ngày 4/10/2016 là vi phạm quy định tại Điều 95 Luật Xây dựng 2014.
Trước hàng loạt sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP HCM kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền như: Việc thực hiện đầu tư khi chưa được cấp giấy phép; Rà soát việc xác định tiền sử dụng đất; Tính toán để truy thu tiền sử dụng đất do: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/500 làm thay đổi công năng (từ đất xây dựng công trình công cộng sang đất kinh doanh cho thuê phải nộp tiền sử dụng đất, tăng hệ số và diện tích sử dụng đất)...
Hoạt động kinh doanh ra sao?
Theo thông tin đăng tải trên website vanphathung.com, Công ty TNHH Vạn Phát Hưng được thành lập vào ngày 9/9/1999 với 2 sáng lập viên là ông Võ Anh Tuấn và ông Trần Văn Thành.
Giai đoạn năm 2000 - 2005, công ty đã thực hiện hàng loạt dự án như KDC Phú Thuận, KDC Tân Kiểng, KDC Phú Mỹ, KDC Phú Xuân và dự án khu căn hộ Phú Mỹ.
Năm 2006, Vạn Phát Hưng được đổi tên thành Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng. Đến năm 2009, công ty chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 9/9/2009 với mã: VPH.
Giai đoạn 2016 - 2017 được coi là “hoàng kim” của Vạn Phát Hưng khi doanh thu thuần tăng đột biến từ hơn 492 tỷ đồng lên 1.382 tỷ đồng (tăng hơn 890 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần của công ty cũng tỷ lệ thuận với doanh thu thuần, lần lượt là 80,84 tỷ đồng và 190,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của Vạn Phát Hưng liên tục đi xuống. Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần của công ty là 705 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 1.382 tỷ đồng (năm 2017), giảm 677 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 48%.
Sang năm 2019, doanh thu và lợi nhuận thuần của Vạn Phát Hưng đạt lần lượt là: 159 tỷ đồng và 50,56 tỷ đồng; Tổng tài sản 1.814 tỷ đồng, giảm 231 tỷ đồng so với năm 2018.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Vạn Phát Hưng, trong năm nay, công ty sẽ chuyển nhượng 55% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà Bè cho Công ty TNHH Lotte Land; Bán các sản phẩm tồn thuộc dự án C.T.C; Hoàn tất việc chuyển nhượng block Y tế thuộc Khu dân cư Lacasa; Bán các lô đất lẻ nhằm tinh gọn, tối ưu nguồn vốn đầu tư.
Cùng với đó, Hội đồng quản trị Vạn Phát Hưng dự kiến trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tìm kiếm đối tác hợp tác dự án Nhơn Đức mở rộng (tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM), quy mô 22,8ha.
Dự án Khu dân cư Nhơn Đức (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) do Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư |
Sai phạm tại dự án Khu dân cư Nhơn ĐứcTrước đó, tháng 7/2020, Thanh tra TP HCM đã có thông báo KLTT về việc chấp hành quy định pháp luật tại dự án Khu dân cư Nhơn Đức (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) do Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Theo KLTT, chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng và những sai phạm liên quan đến nghĩa vụ thuế. Cụ thể, chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng đất lúa trước khi được chấp thuận địa điểm đầu tư; Đầu tư xây dựng công trình trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất trên thực địa; Thi công xây dựng công trình, móng cọc nhà không có giấy phép xây dựng; Bán 370 nền đất có móng cọc tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Bàn giao nhà ở để đưa vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu; Chuyển nhượng 16 nền đất có diện tích chuyển nhượng nhiều hơn diện tích thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... KLTT cũng chỉ ra, chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục về quyền sử dụng đất của dự án; Chưa thực hiện đầu tư xây dựng trường tiểu học phục vụ cộng đồng dân cư; Chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kĩ thuật đô thị, các khu công viên cây xanh, vườn hoa để lập hồ sơ hoàn công và bàn giao cho cơ quan chuyên ngành quản lý, kê khai với chính quyền địa phương; Chậm kê khai hoặc không kê khai nộp thuế; Nhiều trường hợp công ty xuất hóa đơn bán nền đất không trùng với ngày lập các phiếu thu hoặc một hóa đơn giá trị gia tăng xuất cho nhiều phiếu thu không đúng theo quy định… |