Loạt giải pháp của ngành ngân hàng giúp người dân, doanh nghiệp qua cơn nguy nan
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm tới 75% phí giao dịch ATM, chuyển tiền Giao dịch ngân hàng trực tuyến tăng mạnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả |
Hàng loạt giải pháp hiệu quả
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, về điều hành lãi suất, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ba lần điều chỉnh với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm).
Kết quả mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm.
Về điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, từng ngân hàng. Đến nay, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9,82 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so cuối năm 2020.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 308.346 tỷ đồng, cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số giải ngân 3,87 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn với tổng số tiền lãi miễn, giảm là 18.886 tỷ đồng; miễn, giảm phí thanh toán, chuyền tiền trong 2 năm khoảng 2.112 tỷ đồng và ủng hộ an sinh xã hội cho phòng chống dịch, quỹ vắc xin tổng số tiền 2.300 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc chủ động thực hiện hỗ trợ của các tổ chức tín dụng đã được đa số người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, giúp họ có nguồn tài chính duy trì cuộc sống cũng như sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lúc khó khăn nhất
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người dân, doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mặc dù các đơn vị đã tích cực, sáng tạo trong công tác thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, rủi ro.
Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng |
Trong đó, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 có thể khiến các khoản nợ này tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong tương lai, gây áp lực về rủi ro tín dụng cho các tổ chức tín dụng do khách hàng vay vốn tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến khả năng trả nợ suy giảm.
Đồng thời, việc giãn cách xã hội trên diện rộng tại một số địa phương gây ra khó khăn trong quá trình thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc triển khai cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động còn phụ thuộc vào nhu cầu vay của doanh nghiệp, trong khi khó khăn về đầu ra tiêu thụ, triển vọng kinh tế rủi ro khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế vay mới (kể cả được ưu đãi) và chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh do lo ngại không có khả năng trả nợ.
Mặc dù có nhiều khó khăn, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi, bổ sung ngay Thông tư 01, Thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ hoặc ban hành một cơ chế mới phù hợp với thực tế của nền kinh tế hiện nay, diễn biến mới của dịch bệnh để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai cam kết giảm lãi suất (lên đến 1%/năm) dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.000 tỷ đồng; dành riêng gói hỗ trợ giảm lãi suất 4.000 tỷ đồng, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho TP HCM, Bình Dương và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gói 7.500 tỷ đồng); kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...