Lợi dụng uy tín, vợ chồng hiệu trưởng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Ông Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Tam Đa xác nhận sự việc có xảy ra trên địa bàn xã.
Bài liên quan
Thanh Hóa: Cựu cán bộ phòng TN&MT vừa bị bắt vì lừa đảo từng dính án kỷ luật
Huế: Khởi tố cán bộ bưu điện lừa đảo hơn 11 tỷ đồng
Hà Nội: Khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án 409 Lĩnh Nam
"Giải mã" hành vi lừa đảo qua hộ chiếu du lịch
Xã Tam Đa - huyện Vĩnh Bảo - TP Hải Phòng là xã thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lớn nhất trong huyện. Do đó, trước thông tin một vụ vỡ nợ, vỡ hụi hàng chục tỷ đồng, với hàng chục nạn nhân, trong đó nhiều nạn nhân thuộc diện gia đình chính sách. Vụ việc đang gây xôn xao rất lớn trong dư luận địa phương, bởi vụ việc đã đẩy nhiều gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh khốn đốn.
Theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Lợi dụng chức danh cùng với uy tín là Hiệu trưởng trường THCS Đồng Minh - ông Lê Kim Đính câu kết cùng vợ là bà Trần Thị Hảo hiện đang là giáo viên bộ môn Ngoại ngữ trường THCS Hưng Nhân. Từ đó, vợ chồng ông Đính và bà Hảo đã lập cho mình một hệ thống cho vay họ góp trên hình thức mỗi ngày góp một ít, đến kỳ hạn sẽ lĩnh một số tiền theo đúng quy ước từ trước. Đây là một kiểu tín dụng đen, cho vay nặng lãi, với lãi suất khá lớn, lên đến hàng chục %/ tháng. Với kiểu chơi họ góp, người chơi muốn lĩnh tiền đầu tiên rồi mới đóng sau thì chỉ nhận được nhiều nhất 80% số tiền đóng. Việc người chơi họ góp chính là hình thức huy động tiền từ người chơi sau đó vợ chồng ông Đính - Hảo cho các đối tượng khác vay lãi theo hình thức đóng lãi ngày. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình vợ chồng ông Đính - Hảo giàu lên rất nhanh, tuy là giáo viên dạy học nhưng lại có cuộc sống giàu có. Địa chỉ gia đình ông Đính cũng là nơi giao dịch cho vay tín dụng có tiếng trên địa bàn.
Là một trong nhiều người bị hại, bà Lê Thị Trâm (SN 1962), Nguyễn Thị Oanh (SN 1968) cùng nhiều người dân ở xã Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo - TP Hải Phòng) cho biết: vợ chồng Hiệu trưởng trường THCS Đồng Minh là ông Lê Kim Đính và vợ là bà Trần Thị Hảo - giáo viên dạy Ngoại ngữ tại trường THCS Hưng Nhân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người dân trong và ngoài xã với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Theo đó, từ năm 2009 đến năm 2014, vợ chồng ông Đính, bà Hảo đã hoạt động hình thức cho vay họ góp từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân vỡ hụi là do vợ chồng ông Đính dùng số tiền góp của mọi người đầu tư vào lĩnh vực khác, cho vay nặng lãi… nhưng bị con nợ bỏ trốn. Để “gồng gánh”, ông Đính và vợ cho lập các bát họ “ảo”, người chơi ảo để vận động lôi kéo nhiều người chơi họ góp có lãi, với số tiền góp hàng tháng từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người chơi/bát họ.
Khi tham gia họ góp, nếu người chơi bát họ 1 triệu đồng/tháng và đóng 10 tháng liền thì sẽ được bà Hảo cho hưởng lãi 20%/năm. Đối với bát họ 15 tháng trở lên thì lãi suất sẽ được hưởng 30.000 đồng/1 triệu đồng/1 tháng, đối với bát họ trên 26 tháng người chơi sẽ được hưởng mức lãi là 40.000 đồng/ 1 triệu đồng/ tháng. Điều đáng nói luật chơi đều được vợ chồng ông Đính bà Hảo dựng lên và giấu kín không cho ai biết rõ con số cụ thể, chi tiết.
Bà Trâm cho biết: “Thật sự rất buồn khi phải nói ra việc này, bởi ít nhiều cô chú ấy cũng là người cùng làng, cùng xóm”. “ Vợ chồng ông bà Đính đến tận nhà chúng tôi gạ cho vay tiền để làm ăn, việc vay có giấy tờ chữ ký đầy đủ. Lúc cho vay, cô chú còn tuyên bố: “Các chị cứ yên tâm. Em là hiệu trưởng, vợ em là giáo viên. Các bác cứ cho vợ chồng em vay tiền để làm ăn. Mọi người chỉ lừa em chứ vợ chồng em sao có thể lừa mọi người được”.
Danh sách các nạn nhân của vợ chồng hiệu trưởng tiếp tục được cập nhật và dài thêm |
Hoạt động tổ chức huy động tiền bằng hình thức cho vay họ góp thực tế là hoạt động tín dụng đen, không cần thế chấp, không cần đặt cược bất kỳ một tài sản nào nhưng với lãi suất rất cao. Đây chính là hình thức hoạt động huy động tiền của người dân rồi cho người khác vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động. Năm 2014, vợ chồng ông Đính bà Hảo bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, lúc này số tiền mà vợ chồng ông Đính đã chiếm đoạt của hàng chục người dân lên đến hơn 20 tỷ đồng. Ngoài số tiền chơi họ góp, vợ chồng ông Đính cùng vợ lợi dụng lòng tin của mọi người để vay mượn nhiều tỷ đồng, đặc biệt trong số những nạn nhân đó còn có những người thuộc hộ chính sách, hộ nghèo… với số tiền từ 20 triệu đồng đến nửa tỷ đồng. Vụ việc vỡ lở, những người bị hại kéo đến nhà vợ chồng ông Đính, bà Hảo đòi tiền thì bị cả hai ông bà hiệu trưởng tránh né không gặp, đôi khi chủ nợ còn bị vợ chồng ông bà Đính đe dọa, hành hung cũng như thuê người khủng bố đe dọa khiến cho mọi người rất bức xúc.
Sau khi vợ chồng ông Đính bà Hảo tuyên bố vỡ nợ, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh hết sức bi đát. Họ phải bán nhà, bán ruộng để có tiền trả nợ. Nhiều nạn nhân trước đó bởi nghe lời “đường mật” với lãi suất cao, nên đã giấu chồng, giấu con giao tiền cho vợ chồng ông bà Đính. Dẫn đến vợ chồng bỏ nhau như trường hợp chị Nguyễn Thị Oanh, con từ mặt mẹ như gia đình chị Hoàng Thị Ái…
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Tam Đa - huyện Vĩnh Bảo xác nhận sự việc có xảy ra trên địa bàn xã, chính quyền UBND xã đã tiếp nhận được nhiều đơn trình bày, kêu cứu của bà con, những người bị hại. Về phía chính quyền xã cũng đang tổng hợp, thống kê các gia đình bị hại để phối hợp cùng cơ quan điều tra, làm rõ.
“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã Tam Đa. Đa số những người dân tố cáo vợ chồng hiệu trưởng là những người dân có hoàn cảnh khó khăn, dành dụm được ít tiền. Có người còn lấy tiền vay từ quỹ hỗ trợ để thoát nghèo cũng mang ra chơi họ…” Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Tam Đa nói.
Theo ông Thuận, ngay sau khi tuyên bố vỡ nợ, vào năm 2015, ông Đính và bà Hảo đã ra tòa xin ly hôn, bán nhà chuyển sang xã Đồng Minh sinh sống cùng nhau vẫn chung một mái nhà. Thời điểm này ông Đính từ Hiệu trưởng trường THCS Tân Hưng về làm hiệu trưởng trường Đồng Minh, đồng thời bà Hảo xin chuyển sang làm giáo viên tại trường THCS Hưng Nhân.
Cũng theo ông Thuận, lúc đầu chỉ nghĩ là việc vay mượn tiền mang tính dân sự, nhưng khi UBND xã nhận được rất nhiều đơn trình báo của các nạn nhân, cùng với thông tin vợ chồng ông bà Đính - Hảo né tránh, không trả nợ vay với số tiền rất lớn. Nhận thấy sự việc phức tạp, UBND xã Tam Đa cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Bảo, Công an huyện Vĩnh Bảo, hiện vụ việc đang được các cơ quan cấp trên điều tra xử lý.
Trả lời thông tin về vụ việc, ông Phạm Ngọc Quỳnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho biết: Phòng Giáo dục huyện đã biết thông tin vụ việc và đã yêu cầu ông Lê Kim Đính - Hiệu trưởng trường THCS Đồng Minh và bà Trần Thị Hảo - giáo viên dạy môn Anh văn tại trường THCS Hưng Nhân làm bản tường trình. Về phía Phòng GD&ĐT huyện sẽ sớm có hướng giải quyết vụ việc. Trước mắt Phòng GD&ĐT huyện ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với ông Đính và bà Hảo. Mọi việc đang đợi kết luận từ cơ quan điều tra cũng như chỉ đạo của UBND huyện về vụ việc.
Trao đổi với PV về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, huyện cũng đã tiếp nhận thông tin và đang chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ điều tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Theo mong mỏi, cũng như ý kiến của những nạn nhân bị hại cho biết họ rất bức xúc khi bị lợi dụng lòng tin, tình làng nghĩa xóm để vợ chồng ông Đính - Hảo lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân. Người dân mong mỏi cơ quan nhà nước sớm vào cuộc giải quyết làm rõ vụ việc nêu trên. Bởi hiện tại vợ chồng ông Đính, bà Hảo tuy đã ly hôn nhưng vẫn sống cùng nhau rất vương giả, nhởn nhơ, coi thường pháp luật!
PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục điều tra, tìm hiểu vụ việc, sớm gửi đến cho bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc trên...