Lời khuyên của chuyên gia sau vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn
Vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Cần xử lý nghiêm vi phạm để mạng xã hội lành mạnh hơn |
Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn, phụ huynh chia sẻ “bí kíp” bảo vệ con trên không gian mạng |
Đầu độc con trẻ
Trên kênh TikTok có gần 1 triệu lượt follow của mình, Thơ Nguyễn đã đăng video "xin vía" cho học sinh, cô ôm con búp bê và xưng hô mẹ con, gọi nó là “Cư Ma Mập”. Sau đó, cô liên tục gọi tên, khấn vái cho các bạn học sinh học giỏi. Nói chuyện và tự đối đáp lại như đang giao tiếp với một em bé thật. Búp bê Kumathong của Thái Lan trước nay đã là câu chuyện thần bí, ma mị gây nhiều tranh cãi.
Hình ảnh cắt từ video gây tranh cãi của YouTuber Thơ Nguyễn |
Ngoài nền tảng TikTok, công việc chính của Thơ Nguyễn vẫn là một YouTuber khi cô sở hữu kênh thiếu nhi có hơn 8,74 triệu lượt đăng ký. Nội dung của các video xoay quanh hoạt động vui chơi, giải trí, cho đối tượng khán giả là trẻ em.
Trước khi sự việc này xảy ra, Thơ Nguyễn cũng nhiều lần dính lùm xùm vì clip chứa nhiều nội dung người lớn, giọng điệu không phù hợp nên luôn gây ra tranh cãi, phẫn nộ trong các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ thậm chí còn “mê mẩn” kênh YouTube Thơ Nguyễn, cứ bật máy là phải mở ngay.
Anh Lê Công (nhân viên ngân hàng Techcombank chi nhánh Ba Đình) bức xúc chia sẻ: “Từ hôm có thông tin về YouTuber Thơ Nguyễn, tôi đã chặn luôn tài khoản này trên iPad của con gái. Đã bức xúc với những hành động của cô gái này từ lâu nhưng vì con gái cứ thích nên tôi đành chiều con”.
Thơ Nguyễn đã từng gây bức xúc vì video có âm thanh phản cảm |
Chị Thu Hà (trú tại quận Hà Đông) nói: “Mình không hiểu tại sao bạn ấy làm về trẻ con mà lại đưa những nội dung tâm linh, ma mị như vậy. Hành động không khác gì đầu độc con trẻ. Trẻ con nhanh nhạy lắm, chỉ cần xem một lần là hiểu và bắt chước theo cũng nên. Có lần con gái mình xem một clip đóng giả ma trên YouTube mà sợ đến mấy tháng trời”.
“Giọng điệu, hành động của YouTuber này thật sự không nên để con trẻ xem và học theo. Tôi nghe cứ thấy léo nhéo, điệu đà quá mức, nội dung thì nhảm nhí chẳng hiểu làm gì. Như thế thì trẻ con làm sao học được tác phong, kiến thức gì từ đây”, chị Thanh Nga (giáo viên trường Mầm non Trí Tuệ Việt, quận Cầu Giấy) chia sẻ.
Để trẻ cảm nhận sự vật bằng 5 giác quan
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, khẳng định: “Thơ Nguyễn là người hoàn toàn không có nghiên cứu khoa học và không hiểu về trẻ em. Trên nền tảng YouTube còn rất nhiều người giống Thơ Nguyễn, làm video với mục đích thu hút nhiều người xem, chứ không quan tâm đến quyền lợi của trẻ em”.
Vụ việc lần này khiến nhiều phụ huynh lo sợ trẻ em sẽ có tư tưởng “không cần học, chỉ cần xin vía là sẽ giỏi”. Rồi những YouTuber kêu gọi trẻ em thử thách bản thân bằng những việc nguy hiểm như treo cổ, nhịn ăn... đã gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Việc để trẻ tiếp xúc với tự nhiên thông qua 5 giác quan vô cùng quan trọng |
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, trẻ em từ 0 đến 7 tuổi hoàn toàn không có khả năng tổng hợp, phân tích mà chỉ học thông qua hình ảnh. Các em rất nhanh sẽ bắt chước mà không cần biết mình bắt chước để làm gì, có đúng hay không.
“Nhiều phụ huynh sử dụng điện thoại, máy tính để thu hút sự chú ý của trẻ, sau đó dễ dàng thực hiện các công việc khác. Có phụ huynh lại nói cho trẻ làm quen với công nghệ để tiếp xúc với văn minh, hiện đại. Điều này không chính xác vì trước khi tiếp xúc với những thứ lớn lao, trẻ cần cảm nhận mọi sự vật quen thuộc bằng 5 giác quan”, TS Thu Hương khẳng định.
3 lời khuyên để trẻ tránh cái xấu trên mạng xã hội
Trong quá trình làm việc, TS Hương từng tiếp xúc với những trẻ 6 tuổi thành thạo máy tính, điện thoại nhưng không hề biết đến những thứ cơ bản như quả dưa hấu, quả táo... Mặc dù đã xem nhiều lần trên YouTube nhưng các con chưa từng cầm, nắm, ngửi... khi ăn thì bố mẹ đã chế biến, gọt cắt sẵn nên cũng chẳng để ý.
TS Thu Hương đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh rằng họ nên cho con ngủ sớm từ 20h đến 7h ngày hôm sau, đây là cách làm của rất nhiều cha mẹ ở các nước tiên tiến. Trẻ em cần được ngủ giấc dài, sâu. Trước khi đi ngủ, bố mẹ nên dành thời gian chia sẻ, tâm sự hoặc đọc sách, truyện cho con. Sau khi con ngủ thì bố mẹ sẽ có nhiều thời gian để làm việc nhà hoặc các việc khác.
Để trẻ vui chơi trong những hoạt động ngoài trời có hiệu quả tích cực hơn rất nhiều |
Thêm vào đó, phụ huynh cần cho con chơi đồ chơi, chơi những vật dụng thực như hoa quả, gạo... đọc sách để con giải trí trong thời gian rảnh dỗi. Từ đó, con sẽ học được rất nhiều kỹ năng như chăm sóc bản thân, xử lý tình huống, cảm nhận mọi sự vật... Nếu bắt buộc phải cho con chơi điện thoại, chính cha mẹ phải là người kiểm soát chặt chẽ thời lượng, nội dung, xem thử từ đầu đến cuối câu chuyện.
Những chia sẻ của TS Vũ Thu Hương, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về việc chăm sóc trẻ em sẽ giúp cha mẹ quản lý, dạy dỗ và gần các con hơn trong thời buổi công nghệ xâm nhập, đặc biệt với YouTube - mạng xã hội với nhiều nội dung thiếu kiểm chứng.
Người trẻ trở thành “hiện tượng mạng” từ YouTube |
Bài 3: Góc khuất từ việc kiếm tiền “bẩn” trên Youtube |