Vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Cần xử lý nghiêm vi phạm để mạng xã hội lành mạnh hơn
Kênh YouTuber Thơ Nguyễn bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt |
Liên quan clip "xin vía học giỏi" trên kênh YouTuber Thơ Nguyễn bị cộng đồng mạng xã hội phản ứng gay gắt, ngày 11/3, lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Cục đang phối hợp với Cục nghiệp vụ của Bộ Công an mời YouTuber Thơ Nguyễn lên làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan. Một ngày trước, Cục cũng đã yêu cầu TikTok và YouTube chặn, gỡ các clip của Thơ Nguyễn có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, cộng đồng mạng xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh đã rất bức xúc về clip của YouTuber Thơ Nguyễn “xin vía học giỏi” từ búp bê giống Kumathong. Hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, YouTuber này ôm một con búp bê, trên tay cầm sợ dây chuyền, nói: “Sau khi đăng clip giới thiệu về "cư ma mập" này, có nhiều bạn nói rằng chị ơi chị xin vía cho em học giỏi đi, toàn là các bạn thân yêu của chị thôi. Mà xin vía học giỏi là một cái gì đó không sai trái nên chị quyết định hôm nay sẽ xin giúp các em nhé…
Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ nè, ngày mai là các anh chị đi học rồi đấy, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay”.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xử lý kênh YouTuber Thơ Nguyễn "gây bão" mạng xã hội |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Sự việc gây ồn ào của YouTuber Thơ Nguyễn xuất phát từ một video có nội dung được nhiều phụ huynh chỉ trích có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ và bị cộng đồng mạng tẩy chay vì cho rằng clip độc hại, có dấu hiệu truyền tải nội dung mê tín dị đoan.
Để lý giải cho câu hỏi tại sao hành vi của YouTuber Thơ Nguyễn lại bị lên án mạnh như vậy thì đầu tiên chúng ta cần phải hiểu thế nào là mê tín dị đoan? Phân biệt thế nào là tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan.
Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi công dân tuy nhiên tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan là khác nhau. Thực chất của tín ngưỡng và tôn giáo là mê tín vì đều tin vào những điều không có thực, nhưng bản chất của tín ngưỡng và tôn giáo là không có dị đoan.
Tôn giáo và tín ngưỡng đều xây dựng trên những điều “thần bí, huyền hoặc”, vấn đề là “thần bí, huyền hoặc” đến đâu thì được xem là mê tín, dị đoan? Dị đoan có thể hiểu là những điều quái lạ huyễn hoặc do tin vào những điều nhảm nhí mà có gọi là dị đoan (dị là khác thường; đoan là lắm mối, nhiều rắc rối, lắm vấn đề).
“Tín ngưỡng và mê tín dị đoan có quan hệ chặt chẽ với nhau và giữa chúng là một ranh giới mỏng manh. Chúng ta nên coi tín ngưỡng chỉ là niềm tin và sự ngưỡng mộ của một người nào đó vào một hiện tượng, một lực lượng nào đó… mà thông thường được chỉ một niềm tin tôn giáo. Theo nghĩa rộng, tín ngưỡng bao hàm cả tôn giáo; Theo nghĩa hẹp tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của tôn giáo.
Dị đoan là hệ quả của mê tín, làm theo những điều quái dị không thật, không hợp lẽ phải. Dị đoan là mức cao hơn của mê tín. Ví dụ, nghe theo lời “thánh phán” về đốt nhà, uống nước tàn nhang, nước thải dẫn đến thiệt hại về tài sản và sức khỏe. Cũng có thể từ mê tín dị đoan dẫn đến hiện tượng tôn giáo mới, tôn giáo lạ, tà giáo.
Mê tín dị đoan là niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên đến mức độ mê muội, cuồng tín với những hành vi cực đoan, thái quá, phi nhân tính, phản văn hóa, mơ hồ không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên. Mê tín dị đoan thường gây ra hậu quả tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng con người. Hiện tượng mê tín dị đoan thường gắn liền với các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo”, luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, với tư cách là người của công chúng và là người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em thì các Youtuber có nghĩa vụ tuyên truyền, giới thiệu những thông tin, hành vi, lối sống tích cực, tránh xa những tin tức “độc hại”, chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.
Thơ Nguyễn trong clip "xin vía học giỏi" bị cộng động mạng phản ứng |
Hành vi của YouTuber Thơ Nguyễn khi chia sẻ đoạn video ngầm nhắc đến việc nuôi Kumathong, chơi bùa ngải khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng, không hài lòng. Hành vi truyền tải nội dung trong video của Thơ Nguyễn có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các khán giả nhỏ tuổi theo dõi kênh của mình…
Hiện nay mạng xã hội, mạng internet đang phát triển nhanh chóng, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có nhiều hệ lụy tiêu cực. Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, thậm chí là cổ súy cho những hành vi mê tín dị đoan. Điều đáng buồn là những nội dung đó lại được rất nhiều người quan tâm, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tâm lý sùng tín cùng với nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người còn kém, dẫn đến dễ mê tín và lan truyền thông tin sai sự thật.
“Trường hợp của YouTuber Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án, bởi đây là kênh dành cho các em nhỏ nên hành vi có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan lại càng trở nên nguy hiểm hơn. Tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.
Do đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, có sự hướng dẫn, kiểm soát những trang mạng xã hội mà trẻ em sử dụng. Ngăn chặn những trang có thông tin độc hại, có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người dùng mạng xã hội khi phát hiện những kênh thông tin độc hại nên chủ động báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Hành vi đưa thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội, gây dư luận xấu trong xã hội cũng có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015. |