Long An: Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh
Long An: Nhận diện, khơi thông “điểm nghẽn” nguồn nhân lực |
Để giúp các em có hướng đi phù hợp và bảo đảm hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp THCS.
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trong những năm qua, bước đầu toàn tỉnh đạt tỉ lệ 100% trường THCS và trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 10/6/2019 để thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Long An giai đoạn 2019 – 2025. Mục tiêu đến năm 2025 bao gồm: 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp và giáo viên tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đa dạng hóa các con đường hình thành năng lực nghề nghiệp sau THCS tại các cơ sở GDNN. (Ảnh: Lê Đức) |
Năm 2023, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 17,78%, còn học sinh tốt nghiệp THPT học tại các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng là 15,82%. Tỉ lệ này tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch của UBND tỉnh.
Để khắc phục, Sở GD&ĐT đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp: thực hiện truyền thông phân luồng, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền vai trò giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng và tư vấn hướng nghiệp, tổ chức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn, phối hợp với các trường đại học và cao đẳng để tư vấn tuyển sinh, và tăng cường phối hợp với doanh nghiệp và làng nghề trong giáo dục hướng nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động trong công tác phân luồng học sinh sau THCS đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề. Từ giải pháp thực hiện ở các cơ sở giáo dục, những năm gần đây, công tác tư vấn, phân luồng học sinh trong tỉnh đạt hiệu quả và khá sát năng lực.
Trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Kỹ thuật Tổng hợp đã thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” bằng cách phối hợp với các cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) tổ chức giảng dạy chương trình Giáo dục Thường xuyên theo chương trình GDPT 2018 cho học sinh trung cấp nghề. Sau 3 năm, học sinh có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trung tâm cũng đã thông tin và tuyên truyền tuyển sinh qua nhiều hình thức như phát tờ rơi, đài truyền thanh, trang web, và tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS và THPT.
Học sinh chia sẻ về ước mơ tương lai và con đường lựa chọn sau tốt nghiệp THCS. (Ảnh: An Nhiên) |
Chỉ tính riêng tháng 3 và tháng 4 năm 2024, đã có hơn 25.000 học sinh THCS và gần 16.000 học sinh THPT trong tỉnh tham gia trải nghiệm nghề nghiệp. Sự phối hợp này đã nhận được sự đồng thuận và tin tưởng từ phụ huynh và toàn xã hội.
Theo ông Võ Khắc Tuân, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật tổng hợp, trong các buổi trải nghiệm, học sinh được tìm hiểu, tham quan cơ sở vật chất, được các thầy, cô giáo của nhà trường giới thiệu các ngành, nghề đào tạo, của trường và cơ hội việc làm của các em sau khi học xong chương trình đào tạo nghề.
Sau 10 năm triển khai thực hiện 29-NQ/TW, đặc biệt từ năm học 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục tỉnh nhà đã nỗ lực khắc phục những khó khăn và phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là phương pháp dạy và học đã bước đầu có sự đổi mới căn bản, toàn diện; đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy.
Tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh được nâng lên, nhiều thế hệ học sinh phấn đấu mang về cho tỉnh nhà những thành tích đầy tự hào thông qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật; cùng với đó là hàng ngàn tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Long An.
Quy mô, mạng lưới trường lớp được quan tâm củng cố, đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; công tác xã hội hóa và thu hút các nguồn lực phát triển hệ thống giáo dục tại các khu, cụm công nghiệp, xây dựng các trường phổ thông chất lượng cao đạt kết quả bước đầu, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.