Lựa chọn ngành nghề - nỗi băn khoăn không chỉ của học sinh?
Không có ngành học nào "hot" mãi
Nói về vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn - người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global cho biết: Phải phân biệt được bản chất học nghề là họ đi làm một việc cụ thể, như đi sửa xe máy, sửa ti vi; Còn học đại học là học một phương pháp luận để giải quyết một vấn đề, có tính hàn lâm nhưng bài bản hơn. Ví dụ, người sửa điện thoại thuần túy là sửa mang tính hiện tượng, còn người học đại học thì có phương pháp luận để kiến tạo.
Như vậy, học nghề thì có tính ứng dụng, dành cho những người muốn tốn ít tiền nhưng ngay lập tức kiếm tiền được ngay, sống được bằng nghề ngay.
Ông Ngô Minh Tuấn - người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global, chia sẻ về lựa chọn ngành nghề cho các em học sinh cuối cấp và phụ huynh |
Ngược lại, học hàn lâm sẽ gặp phải câu chuyện ra không làm được ngay, đưa vào viện nghiên cứu không ai nhận, dẫn tới tình trạng học đại học dễ bị thất nghiệp; Học nghề thì nhu cầu xã hội cần ngay cho nên sẽ là con đường rất tốt. Bản chất cũng đi đúng lộ trình là phải có hiện tượng va chạm với nghề rồi sau đó mới lên được nấc đánh giá, tổng hợp và tìm ra quy luật (gọi là phương pháp luận) bấy giờ mới lên đại học.
Bởi vậy, ở các nước phát triển, họ phân luồng ngay từ sớm, tạo điều kiện cho học sinh (trừ trường hợp xuất sắc được vào thẳng đại học), nếu không vẫn thông qua học nghề rồi học liên thông lên.
Chia sẻ về lựa chọn ngành nghề trong tương lai cho các học sinh cuối cấp, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Qua quá trình tư vấn tuyển sinh, hầu hết phụ huynh muốn con tốt nghiệp THPT rồi vào học một trường đại học nào đó.
Thời điểm này, ngoại trừ những trường top đầu, rất nhiều trường đại học top dưới đang mở cửa, nới lỏng điều kiện để tuyển sinh, thí sinh dễ dàng vào đại học. Như thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính trung bình các trường đại học cũng chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu. Như vậy chỉ cần tốt nghiệp THPT, cơ hội vào một trường đại học bất kỳ của các em là hoàn toàn có thể, không hề khó khăn.
Tuy nhiên, lựa chọn ngành học như thế nào phù hợp? Theo TS Ngọc: "Nhiều em đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh như muốn chọn ngành "hot" nhưng lại sợ không đủ năng lực; Nếu chọn những ngành khác lại sợ mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia…
“Thực tế cho thấy, một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi, không có ngành gì là "hot" hẳn. Nếu ngành du lịch phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ… Rõ ràng một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển theo.
Hiện nay, các em mới chỉ hiểu đơn thuần, ngành nào có lương cao là ngành "hot". Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở đó, robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề có nguy cơ giảm dần và biến mất.
Do đó, không thể nói ngành nào "hot" hay không. Các em nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông”, TS Đồng Văn Ngọc đưa ra lời khuyên.
Phấn đấu là “trạng nguyên” lĩnh vực theo đuổi
Về căn bản, những nghề sơ khai mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc con người thì sau này robot sẽ làm hết. Ví dụ như lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu… gần như mang tính lặp đi lặp lại, thậm chí kế toán thì hệ thống máy móc, phần mềm làm hết, con người chỉ nhập số liệu vào.
Ông Ngô Minh Tuấn, không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài mà chỉ có “người hot” - giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận |
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn diễn giải: Tư duy con người có các nấc thang như: Kiến tạo, ví dụ như kiến tạo ra máy tính, ra cái nhà, cái quạt… mang tính kiến tạo mới thì robot không làm được. Sau đó đến nấc số 2 là vận hành thì sau này robot sẽ làm thay con người hết.
Vấn đề là chúng ta nhìn nhận sau bao nhiêu năm nữa thôi, chỉ khoảng sau 30 năm những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những anh tư duy của kiến tạo.
Nếu học nghề thì nên học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại được. Còn nếu chỉ học những nghề mang tính lặp đi lặp lại thì có nguy cơ thất nghiệp trong tương lai gần.
Thông thường, chúng ta không có dự báo sâu. Nhiều người nhìn ra xung quanh thấy họ làm lĩnh vực này kiếm ra tiền, lĩnh vực khác cũng đang phát triển và lao vào ngành đó học thì đó được coi là ngành “hot”. Ví dụ, năm ngoái bất động sản phát triển nóng thì năm nay chững lại.
“Theo góc nhìn của tôi, không có ngành nào hot cả. Làm ngành nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì bạn đấy mới là người hot. Tôi không khuyến khích chạy theo nghề “hot”, vì không có nghề nào “hot” theo một chu kỳ dài cả mà chỉ có người “hot” - giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận.
Vì vậy, các học sinh đừng tập trung vào nghề “hot” mà cần học tập hoàn thiện năng lực sở trường... Từ đó, các em nghiên cứu nghề mình đáp ứng tốt và thích nhất và phấn đấu trở thành “trạng nguyên” của lĩnh vực đó”, ông Ngô Minh Tuấn, sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global, đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.
Đồng quan điểm, Ths Phạm Văn Minh, Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: "Khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần căn cứ vào 4 yếu tố. Trong đó, các em cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích thì mới có động lực, hứng thú, dành trọn thời gian, công sức để làm. Với những công việc không yêu thích sẽ dễ rơi vào trạng thái làm đối phó, làm cho xong.
Chọn ngành mình thích nhưng các em phải giỏi, giỏi hơn so với người khác và giỏi so với chính bản thân mình. Có những công việc các em thích nhưng chưa chắc giỏi cũng không nên lựa chọn. Thứ 3, đó phải là ngành xã hội cần. Cho dù đó là ngành nghề các em rất thích, rất đam mê nhưng xã hội không có nhu cầu thì cũng không thể lựa chọn.
Thứ 4, ngoài yếu tố yêu thích, giỏi, xã hội cần còn một yếu tố quan trọng nữa đó là họ có sẵn sàng trả tiền cho các em. Một học sinh lựa chọn ngành nghề để theo đuổi trong tương lai ít nhất cần tổng hợp cả 4 yếu tố này. Nếu làm được như vậy chắc chắn các em sẽ gắn bó và phát triển với nghề".