Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Nhiều đề xuất thiếu thực tế và không khả thi
Đề xuất mới quy định phương tiện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn cả ban ngày vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, bởi thiếu khả thi (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất được quy định mức phí sử dụng đường bộ tối đa
Hà Nội: Xử lý dứt điểm các bất cập tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài
Ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng
Mỗi lần sửa đổi lại nhiều tranh cãi
Ra đời từ năm 2008, đến nay, Luật Giao thông đường bộ đã trải qua 12 năm có hiệu lực thi hành. Trong khoảng thời gian đó, văn bản luật này liên tục có sự thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Nhiều quy định ra đời nhận được sự nhất trí, ủng hộ của người dân nhưng cũng không ít đề xuất, kiến nghị, quy định tạo nên ý kiến trái chiều trong xã hội.
Cụ thể, nhiều đề xuất bị cho là thiếu thực tế và không khả thi hoặc nhiều quy định được đơn vị soạn thảo luật hóa từ các văn bản dưới luật. Điển hình nhất gần đây là quy định bắt buộc phải bật đèn 24/24 giờ đối với mô tô, xe máy khi tham gia giao thông.
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, đây là cách làm được nhiều nước phát triển ở Châu Âu áp dụng từ lâu nhằm tăng tính nhận diện phương tiện, giúp tránh nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông.
Ông Trần Hữu Minh (Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thành viên ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi) ủng hộ với đề xuất phương tiện phải bật đèn 24/24 giờ khi tham gia giao thông. Ông Minh cho rằng xe máy là phương tiện dễ bị tổn thương, rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày), bởi vậy cần nâng cao khả năng nhận diện với xe máy. Việc bật đèn khi tham gia giao thông sẽ nâng cao khả năng nhận diện xe.
Ở một chiều hướng khác, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) lại cho rằng quy định trên không cần thiết.
“Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, ít sương mù nên việc quy định bật đèn cả ngày là vô lý, rất khó để lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý vi phạm. Xe máy bật đèn cả ngày thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả. Quy định này chỉ phù hợp với các nước Châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn, ở Việt Nam thì không cần thiết”, Thượng tá Quỹ cho biết.
Chị Nguyễn Thu Hoàn (23 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng: “Việc bật đèn 24/24 giờ khi tham gia giao thông chỉ nên khuyến khích, không nên bắt buộc. Mùa hè ở Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm. Việc tất cả các phương tiện bật đèn gây cảm giác nóng bức hơn. Tại các ngã tư xảy ra kẹt xe, các xe lúc nào cũng rọi đèn vào nhau thì rất chói mắt.
Quy định này mang tính chất tham khảo từ các nước và việc đưa điều này vào dự thảo cũng mang tính chất xây dựng với mong muốn mang lại sự an toàn cho xã hội. Tuy vậy, áp dụng quy định này vào một đất nước nhiều xe máy, ít sương mù như Việt Nam là không hợp lý”.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cho rằng đề xuất bắt buộc bật đèn khi tham gia giao thông nhìn sơ qua có thể thấy không hợp lý nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là vấn đề nên áp dụng. Việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh, giúp giảm đáng kể tai nạn giao thông.
Theo tiến sĩ Thuận, đèn chiếu sáng cũ trước đây khi chiếu sáng sản sinh ra nhiệt lớn thì có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nếu nhiều đèn cùng bật một lúc. Tuy nhiên hiện nay các phương tiện đã được thay thế bằng đèn LED, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít tốn nhiên liệu và không sản sinh nhiệt nhiều do đó không có ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.
Quy định phải gắn với thực tiễn đời sống
Với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực giao thông vận tải nước ta trong những năm gần đây, Luật Giao thông đường bộ đã dần bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí là lạc hậu và lỗi thời so với thực tiễn đời sống xã hội. Chính vì vậy, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là văn bản luật đang được chờ đợi với mong muốn cập nhật hơn và phù hợp với đời sống thực tiễn hơn.
Trước đây đã có tiền lệ quy định giao thông đặt ra rồi để đó, không thể đi vào đời sống vì vô vàn những bất cập phát sinh. Trong đó phải kể đến Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 quy định tất cả các ô tô 4 chỗ phải trang bị phương tiện chữa cháy. Sau 5 năm, Bộ Công an đã chính thức dỡ bỏ quy định này mà thay vào đó là quy định khác thực tế hơn.
Trở lại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi khi quy định xe máy phải bật đèn 24/24 giờ, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải) cho rằng không nên quy định cứng nhắc thời gian mà phải tùy theo thời tiết từng khu vực, từng tuyến đường.
Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, với quy định thiếu chặt chẽ và để giờ cụ thể như trên sẽ rất khó thực hiện, đặc biệt ở nước ta. Cái quan trọng nhất là cần quy định xe phải có đèn nhận diện mà đèn phải sử dụng được. Còn việc sử dụng khi nào và như thế nào cần nới rộng ra chứ không nên bó buộc.
“Đây cũng chỉ mới dự thảo nên chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến chuyên gia, người dân đóng góp cho dự luật để chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi không cứng nhắc, việc nội luật hóa các quy định chung của quốc tế phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thạch nói.
Tại khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), quy tắc sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.