Lùm xùm sai phạm bị công an điều tra và loạt vấn đề tại VEAM
Bài liên quan
Bài 5: Chủ tịch VEAM đương nhiệm bị truy trách nhiệm về sai phạm làm thiệt hại tài sản Nhà nước
Bài 4: VEAM cho vay tràn lan trái quy định, nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng
Bài 2: Sai phạm hàng tỷ đồng trong quản lý, sử dụng đất tại VEAM
Bài 3: VEAM "ném qua cửa sổ" hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
Bài 1: Hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản tại VEAM
Ông lớn sống nhờ công ty liên kết
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã CK: VEA), mức doanh thu, lợi nhuận của công ty sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh thu thuần của VEAM chỉ đạt 1.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018. Do giá vốn hàng bán lên tới 1.115 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về của VEAM lại âm 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết lại là cứu cánh cho kết quả kinh doanh kỳ này của VEAM khi mang về khoản lợi nhuận hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với khoản doanh thu từ hoạt động tài chính lên đến 254 tỷ đồng, tăng 2,3 lần cùng kỳ thì các khoản chi như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính không đáng kể nên lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 1.733 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Đáng nói, nếu tách khoản lãi từ các công ty liên kết và chênh lệch doanh thu chi phí từ hoạt động tài chính thì khoản doanh thu tài chính của VEAM sẽ âm 136 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của VEAM. |
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, VEAM đạt doanh thu 3.352 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận lớn đến từ công ty liên doanh, liên kết và tiền gửi nên lợi nhuận sau thuế của VEAM tăng lên hơn 5.151 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, đối với công ty mẹ, trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần giảm đến 67% so với cùng kỳ từ 1.677 tỷ đồng xuống còn 561 tỷ đồng. Giá vốn quá cao vượt doanh thu nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng giảm tới 294%, từ 72,4 tỷ đồng xuống âm 140,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng giảm 64% từ 72 tỷ đồng xuống còn 26 tỷ đồng, bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này lại tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2018 nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 của công ty mẹ VEAM ghi nhận 7.073 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Chiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của VEAM ở mức 31.044 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính tới 14.253 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 6.247 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.020 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính dài hạn 5.005 tỷ đồng, tài sản cố định 2.191 tỷ đồng.
Đáng nói, VEAM có 680 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền; 14.254 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (bằng 48,1% tổng tài sản). Hiện VEAM đang gửi tiền nhiều nhất ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với số dư là 6.488 tỷ đồng, tiếp đến là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 4.230 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh Hà Nội là 1.695 tỷ đồng...
Tòa nhà Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM). |
Trong khi đó, VEAM hiện đang sở hữu 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua. Do nhận cổ tức lớn từ các công ty liên doanh, liên kết nên VEAM sở hữu 14.935 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chưa kể 4.677 tỷ đồng phải thu tiền cổ tức và lãi hỗ trợ vốn…
Đại gia ném tiền qua cửa sổ
Liên quan đến VEAM, trước đó, Bộ Công thương đã có kết luận thanh tra và gửi sang Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda, Ford...) mang lại.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Theo kết luận của Bộ Công thương, việc quản lý sử dụng vốn tại một số đơn vị VEAM hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu như: Chi nhánh VEAM tại Bắc Kạn, Nhà máy ô tô VEAM (VM) kinh doanh trong giai đoạn 2010 - 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là hơn 331,8 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch VEAM. Ảnh: website VEAM. |
Bên cạnh đó, đến ngày 1/1/2018, Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn hơn 36,1 tỷ đồng; Công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất vốn 5,6 tỷ đồng; Công ty VEAM Korea mất vốn 208 triệu Won (tiền Hàn Quốc), trong đó, Tổng công ty VEAM mất vốn 185,4 triệu Won (tương đương hơn 3,7 tỷ đồng).
Cũng tại kết luận thanh tra, Bộ Công thương cho biết, việc góp vốn tại VEAM và một số đơn vị thành viên chưa đúng quy định.
Cụ thể, VEAM chưa thực hiện góp đủ vốn điều lệ tại một số đơn vị thành viên theo quy định, góp vượt vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh; Viện Công nghệ tăng vốn thiếu 3,15 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh không đúng quy định...
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích: TAMAC sử dụng sai mục đích số tiền hơn 2,7 tỷ đồng từ khoản 49,7 tỷ đồng VEAM hỗ trợ và số tiền 33,7 tỷ đồng từ khoản hỗ trợ di dời cơ sở từ Công ty CIRI. Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo đã sử dụng 112,6 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn điều chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu, Hà Nội.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công - DISOCO sở hữu cổ phần của Matexim không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Viện Công nghệ chi Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi vượt số dư tồn quỹ, Viện không thực hiện trích lập Quỹ khoa học công nghệ theo quy định.
Về đầu tư dự án, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, Bộ Công Thương phát hiện công tác quản lý dự án, hạng mục, các công trình xây dựng tại VEAM và một số đơn vị thành viên không đúng quy định về quản lý hồ sơ, chất lượng, tiến độ và thanh quyết toán.
Theo kết luận của Bộ Công thương, công tác mua sắm trang thiết bị đầu tư dự án đầu tư không hiệu quả: Tại Nhà máy ô tô VEAM (VM), dự án hạng mục đầu tư mới phục vụ vận hành sản xuất năm 2012 của Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa - Dây chuyền Nam Kinh, giá trị 6,11 tỷ đồng; dự án đầu tư bổ sung thiết bị phục vụ sản xuất xe Huyndai, giá trị hơn 26 tỷ đồng; hạng mục bổ sung thiết bị dây chuyền hàn tự động MS giá trị 6,11 tỷ đồng. Tại VEAM, dự án đầu tư máy kéo bốn bánh hạng trung gây thiệt hại số tiền hơn 69 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận của Bộ Công thương, một số đơn vị VEAM cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi kinh doanh không hiệu quả, một số đơn vị đang kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm, mất cân đối tài chính, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt, khả năng thu hồi vốn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản, một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ. Số tiền VEAM hỗ trợ, cho vay các đơn vị thành viên chưa thu hồi được là hơn 595 tỷ đồng.
Theo kết luận của Bộ Công thương, số tiền phải thu của khách hàng còn tồn đọng lớn (nợ tài khoản 131 là 880,3 tỷ đồng; nợ tài khoản 138 là 5.919 tỷ đồng). Trong đó đặc biệt là Công ty CP Matexim Hải Phòng là 95,3 tỷ đồng, Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ là 136,8 tỷ đồng, Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp là 68,5 tỷ đồng, Công ty Vetranco 216 tỷ đồng...
Ngoài ra, một số đơn vị thành viên có nợ quá hạn chưa thu hồi được như Nhà máy ô tô VEAM (VM) với số nợ qua hạn trên 3 năm là 3,67 tỷ đồng, tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công - DISOCO số nợ quá hạn là 8,7 tỷ đồng, nợ khó đòi tại Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo là 23,98 tỷ đồng, Viện Công nghệ hơn 2 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC) là 27,8 tỷ đồng.
Liên quan đến sai phạm tại VEAM gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước, ngoài một số cá nhân đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt như ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc 2015-2018) thì vẫn còn một loạt cá nhân khác cũng bị truy trách nhiệm như Quyền Tổng giám đốc đương nhiệm Ngô Văn Tuyển (nằm trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc) và ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT (ông Chuyện là người cũng "đóng góp" hầu hết các sai phạm được Bộ Công thương nêu tại kết luận thanh tra).
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa ký quyết định cử ông Phan Phạm Hà làm Người đại diện cho 22% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - doanh nghiệp Bộ Công Thương vẫn đang nắm hơn 88% cổ phần.
Vào tháng trước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng có văn bản gửi Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM về việc cử ông Hà làm người đại diện phần vốn nhà nước, đồng thời giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị, giữ chức Tổng giám đốc VEAM.
Về chức danh Tổng giám đốc, kể từ khi ông Trần Ngọc Hà bị bãi nhiệm Tổng giám đốc vào ngày 29/3/2019 đến nay vẫn chưa có người thay thế. Trước đó, ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức danh trên vào tháng 8/2018. Hiện ông Hà đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra VEAM và một số đơn vị thành viên.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Chuyện hiện vẫn đang là người nắm giữ vị trí cao nhất, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM. Ông Chuyện và Quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển cũng bị liên đới trách nhiệm về các sai phạm gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước đã được Bộ Công thương nêu trong kết luận thanh tra mới đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ông trên vẫn "bình an vô sự", chễm trệ ngồi ghế quyền lực nhất VEAM.