Lùm xùm vụ cấp tín dụng cho dự án Bệnh viện Ngọc Tâm: Sacombank nói gì?
Xin xong chuyển nhượng dự án
Năm 2006, UBND TP HCM có Quyết định số 1694/QĐ-UBND giao Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) 32.396m² đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức) để đầu tư xây dựng bệnh viện với thời hạn 50 năm.
Ngày 10/8/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) TP HCM cấp Giấy CNQSDĐ cho Công ty Đặng Trần với diện tích 29.070m² (giảm hơn 3.000m² do trừ lộ giới đường), mục đích sử dụng đất là để xây dựng bệnh viện.
![]() |
Khu đất dự án Bệnh viện Ngọc Tâm hiện nay |
Do đây là dự án đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ nên cơ quan chức năng TP HCM cho Công ty Đặng Trần chỉ đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 22,2 tỷ đồng; Còn tiền sử dụng đất được miễn đóng.
Tuy nhiên, khi cấp Giấy CNQSQDĐ cho Công ty Đặng Trần, Phòng Quản lý sử dụng đất (nay là Phòng Quản lý đất đai, Sở TNMT) đã tham mưu để ông Trần Thế Ngọc - thời điểm đó là Giám đốc Sở TNMT TP HCM ký cấp Giấy chứng nhận số AI 334094 ngày 10/8/2007 cho Công ty Đặng Trần chỉ thể hiện “giao đất có thu tiền sử dụng đất”, trong khi đúng ra phải là “giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn”. Điều này là không thực hiện đúng ý kiến của UBND TP HCM.
Sau khi được cấp Giấy CNQSDĐ, Công ty Đặng Trần đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín). Tháng 7/2008, Sở TNMT cũng đã cập nhật biến động sang tên trên giấy chứng nhận cho người sử dụng đất là công ty này.
Đến tháng 2/2009, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Việt Tín để đầu tư dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Theo giấy chứng nhận đầu tư thì bệnh viện chính thức hoạt động kể từ tháng 10/2010; Trong trường hợp nếu sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện thì có thể bị thu hồi và chấm dứt hoạt động dự án.
Quy định là vậy nhưng khi vừa mới thi công xong phần ép cọc (khởi công từ tháng 5/2009 đến tháng 10/2009), doanh nghiệp này ngưng triển khai và “đắp chiếu” cho đến nay.
Không những thế, ngay từ thời điểm tháng 4/2009, Công ty Việt Tín đã lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất của chính khu đất trên với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm - công ty gia đình của “đại gia” Đặng Phước Dừa), với trị giá góp vốn là 105 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2012, Công ty Việt Tín chuyển nhượng hẳn dự án trên cho chính Công ty Ngọc Tâm với giá “0 đồng”. Đến tháng 3/2013, Công ty Việt Tín bán luôn khu đất trên cho Công ty Ngọc Tâm với giá 65 tỷ đồng.
Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ ra nhiều vi phạm
Không chỉ mang dự án đi góp vốn, chuyển nhượng, ông Đặng Phước Dừa và con gái cũng nhiều lần mang đi thế chấp ngân hàng để vay hàng trăm tỷ đồng cho mục đích khác.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, ông Đặng Phước Dừa và con gái Đặng Phước Thủy Tiên với tư cách là đại diện Công ty Ngọc Tâm đã dùng chính sổ đỏ khu đất dự án Bệnh viện Ngọc Tâm để 3 lần đem thế chấp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Thạnh (Sacombank - CN Bình Thạnh) vay tổng số tiền 273 tỷ đồng.
![]() |
Thời gian qua, lại xuất hiện thông tin về việc chuyển nhượng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm dù đã có chỉ đạo thu hồi dự án |
Đáng nói, việc cho vay thế chấp này đã được Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP HCM chỉ ra nhiều thiếu sót như: Quá trình nhận thế chấp và cho vay của Sacombank - CN Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn cho cả 3 lần vay thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không; Sacombank - CN Bình Thạnh không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính của bên vay mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; Thời điểm Sacombank - CN Bình Thạnh thẩm định cho Công ty Ngọc Tâm vay vốn theo phương án “góp vốn đầu tư dự án” trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không đăng ký hoạt động góp vốn đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Sacombank - CN Bình Thạnh thẩm định nguồn trả nợ căn cứ lợi tức và hoàn trả vốn góp được thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác nhưng việc đánh giá chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn và chưa căn cứ vào hiệu quả hoạt động cụ thể của phương án hợp tác là chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo Khoản 2 Điều 15 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Đặc biệt, Sacombank - CN Bình Thạnh có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm hợp thức hóa công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng khoản 4, Điều 94 Luật các Tổ chức Tín dụng 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010...
Tuy nhiên, mọi thông tin liên quan đến việc xử lý sai phạm trong vụ việc sau đó đều rơi vào im lặng. Dư luận cho rằng Sacombank đã có những mập mờ và ưu ái riêng cho Công ty Ngọc Tâm khi cấp vốn.
Sacombank nói gì?
Liên quan đến vấn đề cấp tín dụng trên, ngày 15/3, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với đại diện Sacombank.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Về hồ sơ cho vay, Sacombank khẳng định là đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Sacombank. Ngân hàng khi giải quyết hồ sơ cho vay là hoàn toàn khách quan và khách hàng này (Công ty Ngọc Tâm) hay khách hàng khác đều phải thực hiện những quy trình, thẩm định tín dụng và cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. “Mình đúng thì mình mới làm”, ông Tuệ khẳng định.
Ông Tuệ cũng cho biết, trước đó Thanh tra giám sát ngân hàng có làm việc với Sacombank, nhưng các vấn đề liên quan đến việc kiến nghị xử lý là không có. “Khi Thanh tra họ vào, họ có phân tích, đưa ra những ý kiến, những nhận định. Tuy nhiên, hồ sơ này trong kết luận của Thanh tra không có hình thức xử lý. Vì nếu có sai phạm thì cơ quan Thanh tra đã đề nghị xử phạt hành chính hoặc cao hơn thì đề nghị cơ quan chức năng khác xem xét”, ông Tuệ nói.
![]() |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trụ sở chính của Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm đang đóng cửa (mặc dù vẫn để biển hiệu công ty). Người dân xung quanh cho biết, căn nhà này đã đóng cửa bỏ trống từ lâu. Trong khi đó, địa chỉ chi nhánh công ty tại 320 Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10 lại là một công trình nhà ở riêng lẻ đang thi công |
Về việc cho vay thế chấp lần 3 với số tiền 68 tỷ đồng tại thời điểm Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đã có thông báo sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đối với Công ty Ngọc Tâm nhưng Sacombank vẫn đồng ý cho doanh nghiệp này vay, ông Tuệ cũng như đại diện pháp lý của ngân hàng khẳng định đúng trình tự thủ tục. Việc cho vay là bình thường.
“Khi cho vay, ngân hàng sẽ thực hiện công chứng đăng ký giao dịch đảm bảo. Việc công chứng là bước để kiểm soát xem tài sản có bị ngăn chặn giao dịch hay không; Đi đăng ký giao dịch đảm bảo để xác định xem tài sản này có được giao dịch một cách bình thường hay không… Tất cả những bước đó ngân hàng đều làm đầy đủ hết, kể cả qua Sở Tài nguyên và Môi trường (Văn phòng Đăng ký đất đai) để xác minh. Do đó, về mặt nghiệp vụ và thủ tục cho vay là bình thường”, ông Nguyễn Văn Trình - Trưởng phòng Pháp lý Sacombank nói.
Đối với việc thu hồi và xử lý khoản nợ 223 tỷ đồng (trong tổng số 273 tỷ), lãnh đạo Sacombank cho biết, đây là khoản vay quá hạn từ năm 2019 nhưng đến tháng 3/2021, Sacombank đã thu hồi toàn bộ cả gốc và lãi của khoản vay này.
Trước thông tin cho rằng, Sacombank đã có những mập mờ và ưu ái riêng cho Công ty Ngọc Tâm khi cấp vốn hay “bắt tay” với doanh nghiệp để trục lợi từ chính sách Nhà nước… đại diện pháp lý Sacombank khẳng định không có.
“Đối với chính sách xử lý nợ xấu của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đây là những chính sách yêu cầu ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình để xử lý nợ xấu, chứ không có chuyện dùng ngân sách hay dùng một nguồn lực khác để xử lý nợ xấu… Vì thế, về mặt chuyên môn nếu nói ngân hàng trục lợi chính sách là không có”, ông Trình khẳng định.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép

Lâm Đồng đưa vụ án Công ty Cổ phần chè Minh Rồng vào diện theo dõi

Hải Dương: Yêu cầu dừng trạm trộn bê tông, asphal bãi sông Thái Bình

Công an khởi tố vụ án hình sự, điều tra vụ mất đất vì hồ sơ công chứng giả mạo

Làm rõ thông tin xe cứu thương chở diễn viên đến ra mắt phim

Vi phạm Luật Đất đai, công ty bảo trợ chăm sóc người cao tuổi bị thu hồi đất
