Sacombank vay 5.000 tỷ đồng trái phiếu
Trái phiếu do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm, được phát hành và thanh toán bằng tiền, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và không phải nợ thứ cấp.
Số tiền thu về được Sacombank sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, đồng thời góp phần gia tăng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 3.249 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Lãi sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng, tăng 38%.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Sacombank đạt 494.295 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,8% đạt 356.440 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 2,1% xuống 418.839 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tính đến cuối tháng 9/2021, nợ xấu nội bảng của Sacombank giảm 4% xuống 5.568 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,7% xuống 1,56%.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu STB của Sacombank chốt phiên giao dịch 9/11 ở mức 28.100 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên hôm qua, nhưng tăng hơn 66% từ đầu năm đến nay.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. |