Lý tưởng là kim chỉ nam cho hành động của thanh niên
Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên |
Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cùng các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn tham gia diễn đàn.
Các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn tham gia diễn đàn: Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn; Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam |
Tạo môi trường để khơi lên lý tưởng trẻ
Bạn Trương Thị Nhật Anh, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đặt câu hỏi: “Em rất tâm đắc với chủ đề của diễn đàn năm nay, nhất là trong dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của anh Lý Tự Trọng. Cá nhân em cho rằng, thanh niên thời nào cũng luôn có lý tưởng, vấn đề là cần tạo môi trường để khơi dậy lý tưởng và thúc đẩy thanh niên thực hiện nó. Em mong Ban Bí thư Trung ương Đoàn chia sẻ những giải pháp của Đoàn để giáo dục lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên”.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Vy Tư Liệu - Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương. Cùng tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn; cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nước... |
Đồng tình với ý kiến của Nhật Anh, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khẳng định, thanh niên thời nào cũng có lý tưởng. Lý tưởng chính là kim chỉ nam cho hành động và lý tưởng, khát vọng của thanh niên phải hoà chung vào lý tưởng, khát vọng của Tổ quốc.
Đảng ta đã đề ra con đường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045, cần những con người thanh niên với khát vọng cống hiến dựng xây đất nước. Vì vậy, Đoàn cũng cần tập trung vào mục tiêu đó để giáo dục lý tưởng cho thanh niên.
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, quan điểm chung là phải luôn kiên định, nhất quán những vấn đề mang tính nguyên tắc, nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng trong nội dung, phương thức truyền tải thì cần không ngừng đổi mới, tiếp cận theo phương thức mới, phù hợp với thanh niên.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn chia sẻ tại diễn đàn |
Tổ chức Đoàn đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, như tận dụng công cụ và kho dữ liệu hiện đại trên không gian mạng; tiếp tục phát triển các cuộc thi tìm hiểu; nhân rộng mô hình câu lạc bộ Lý luận trẻ, từ đó tạo dựng lực lượng nòng cốt để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thanh niên.
Đoàn Thanh niên chú trọng cả hai vế “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” làm nền tảng cơ bản, lâu dài. Bên cạnh đó, sự nêu gương cũng là một giải pháp hết sức quan trọng. Chúng ta cần kiên định quan điểm nêu gương: Cán bộ Đoàn cấp trên nêu gương cho cán bộ Đoàn cấp dưới; cán bộ Đoàn nêu gương cho đoàn viên; đoàn viên nêu gương cho thanh niên; đoàn viên, thanh niên nêu gương cho thiếu niên, nhi đồng…
Điểm cầu trung tâm tại Đài Truyền hình Việt Nam |
Kết nối tình nguyện vì cộng đồng
Anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel - người được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm, chia sẻ, cũng giống như rất nhiều thanh niên Việt Nam khác, anh và các thành viên trong nhóm hiểu rõ về vai trò và trách nhiệm của những người trẻ đối với đất nước.
Với tinh thần phát huy cống hiến vì cộng đồng, đặc biệt là lan tỏa tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, nhóm tình nguyện có tôn chỉ: “Không bỏ rơi”, “không thu phí”, “không phân biệt”, “không phán xét”, để làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình.
Hơn 4 năm, nhóm đã hỗ trợ và thực hiện hơn 17.000 vụ sơ cấp cứu cho các nạn nhân bị nạn. Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình, anh cùng các thành viên đã và đang từng ngày từng bước dìu dắt, hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn những giá quý báu này.
“Trung ương Đoàn có các hoạt động, giải pháp kết nối nào giữa các nhóm tình nguyện tự thành lập và các nhóm tình nguyện chính thống, để sự kết hợp này sẽ phát huy thế mạnh của các nhóm, tham gia hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả nhất hay không?”, anh Việt hỏi.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trẻ lời câu hỏi của bạn trẻ |
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Hiện nay rất nhiều tổ chức, câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động tình nguyện có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Đặc điểm chung dễ nhận thấy của các hội, nhóm tình nguyện này là số lượng thành viên khá đông, hoạt động trên tinh thần cộng đồng đa kết nối. Nhiều hội, nhóm đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động tình nguyện và tạo được uy tín trong cộng đồng, xã hội.
Điểm cầu tham dự diễn đàn tại Thành đoàn Hà Nội |
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã lựa chọn phong trào “Thanh niên tình nguyện” là một trong 3 phong trào chính, nhiệm kỳ 2022 - 2027, với nhiều nội hàm mới, nổi bật nhất là chủ trương “3 liên kết” (lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng). Có thể thấy, công tác kết nối, phối hợp, quy tụ các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm này được các cấp bộ Đoàn, Hội hết sức quan tâm, chú trọng thực hiện, thông qua các cổng thông tin kết nối tình nguyện.
Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn, Hội sẽ tiếp tục tăng cường tìm kiếm, rà soát, kết nối và phối hợp triển khai các hoạt động tình nguyện với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp để tăng chất lượng lẫn số lượng các hoạt động tình nguyện, tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng.