Mang cả mũi dao đâm vào cột sống đến phòng phẫu thuật
Đó là bệnh nhân nam T. H. T. H (sinh năm 1991, địa chỉ ở Sóc Trăng). Theo người nhà, bệnh nhân H bị đâm vào sau lưng trái và nhanh chóng được đưa vào bệnh viện địa phương xử trí cấp cứu ban đầu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 10 giờ 40 phút ngày 7/4/2021 với chẩn đoán vết thương trên lưng trái còn dị vật.
Hình dị vật kim loại trên phim X-quang |
Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện tỉnh táo, niêm hồng, than đau lưng, khó thở nhẹ, vết thương lưng thành ngực sau cạnh trái cột sống đoạn ngực 4 - 5 rỉ máu, còn dị vật, không tê yếu chi. Dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Hình dị vật kim loại trên phim CT ngực |
Các bác sĩ khoa cấp cứu nhanh chóng xử trí cấp cứu và thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tim phổi thẳng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực… và tiến hành hội chẩn phẫu thuật, thống nhất phương án xử lý thám sát vết thương và lấy dị vật cấp cứu.
Hình dị vật kim loại trên phim CT ngực |
Ê-kíp phẫu thuật gồm BSCK2 Trần Văn Minh - Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BS Nguyễn Châu Thanh, BSCK1 Nguyễn Văn Vĩnh - khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật rút mũi dao dài 5x2cm, bị cong, làm sạch đường dò vết thương, cầm máu vết mổ, xử lý làm sạch và khâu vết thương. Thời gian phẫu thuật là 90 phút.
Hình dị vật kim loại trên phim CT ngực |
Tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, không sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, không tê yếu chi .
Theo BSCK2 Trần Văn Minh, may mắn là trường hợp này mũi dao chưa gây vết thương tủy sống. Nếu tổn thương tủy sống thì bệnh nhân sẽ có rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, liệt tủy không hoàn toàn với các biến chứng dò dịch não tủy, nhiễm trùng, áp xe, viêm màng não tủy. Nếu mũi dao đi sâu hơn nữa sẽ chạm gây thương tổn các tạng xung quanh, tùy theo vị trí như: Động mạch tủy sống, màng phổi, động mạch chủ, động mạch cảnh, gan thận, ruột…
Hình ảnh mũi dao lấy ra sau phẫu thuật |
Bác sĩ khuyến cáo với những trường hợp tương tự cần đặc biệt lưu ý không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu, mà cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính trước để có thể lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu.