Mẹ và hành trình đợi chờ trong nỗi đau
Các PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Hải Phòng viếng liệt sĩ Nguyễn Quốc Hùng |
Tiễn con ra trận, mẹ Thanh nuốt nước mắt vào lòng, không ngừng dặn dò. Người con trai 19 tuổi hứa với mẹ "Chiến thắng, con sẽ về!" nhưng khi đất nước yên bình, bao năm trôi qua, mẹ vẫn chờ đợi trong vô vọng.
Ngày qua ngày, mẹ Thanh mong ngóng tin con, nhưng hài cốt của con vẫn chưa được tìm thấy. Nỗi đau khắc khoải khi không biết con mình an nghỉ nơi đâu luôn hiện hữu trong lòng mẹ. Các anh em, con cháu của Liệt sỹ Nguyền Quốc Hùng không ngừng nỗ lực tìm kiếm trên nhiều nghĩa trang khắp cả nước.
Hành trình trở về của Liệt sỹ Ngô Quốc Hùng là một câu chuyện cảm động về tình thân và lòng kiên trì. Khi bạn bè tìm kiếm phần mộ của người thân trên nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế, họ đã phát hiện ra phần mộ của anh.
Nhờ đó, gia đình mẹ Thanh đã được thông báo. Đến năm 1997, hài cốt của anh được đưa về với mẹ, với gia đình và Nhân dân. Anh về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên.
Một buổi sáng như thường lệ, mẹ Thanh đang bốc thuốc đông y chữa bệnh cho người dân tại nhà, nhóm phóng viên ghé thăm mẹ. Ở tuổi 93 xưa nay hiếm, mẹ vẫn rất minh mẫn và mạnh khỏe, bàn tay thoăn thoắt bốc thuốc trong chiếc tủ gỗ đã cũ. Mẹ nói đây là nghề gia truyền của gia đình.
Mẹ Liệt sỹ Lê Thị Thanh kể cho phóng viên nghe về hồi ức của các cuôc chiến tranh |
Mẹ Thanh có 10 người con, 3 người con trai ra chiến trường nhưng chỉ có hai con là Nguyễn Đình Quang và Nguyễn Đình Hoàn trở về sau cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.
Bản thân mẹ Thanh và chồng, ông Nguyễn Đình Khánh, cùng con dâu ở địa phương vừa sản xuất vừa tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ Thanh kể lại, cả chồng mẹ và con dâu lớn đều tham gia du kích, hoạt động bí mật, đào hầm bảo vệ và nuôi giấu cán bộ.
Mẹ phải sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để tránh bị địch nghi ngờ, tìm các ngách nhỏ, hẻo lánh để hoạt động bí mật. May mắn là mẹ chưa từng bị bắt nhưng nhiều bạn bè của mẹ đã bị địch bắt và tra tấn dã man.
Mẹ kể lại kỷ niệm đáng sợ nhất là khi cơ sở bị lộ và đồng chí Vượng bị bắt ngay trên sông Ván. Sông Ván nhỏ, xung quanh nhiều khu mồ mả, ít người qua lại. Mẹ và đồng chí, đồng bào thường dùng xuồng đẩy để vận chuyển cán bộ trên sông. Còn việc đào hầm gian khó nhất là vận động nhà dân cho phép đào hầm trong nhà họ. Đêm đào hầm đã khó, lại phải đổ đất vào thùng và mang đi nơi xa để tránh bị phát hiện.
Khi được hỏi về cảm giác đối diện với muôn vàn thử thách, nguy hiểm, mẹ Liệt sỹ Lê Thị Thanh trả lời: "Vì Nhân dân bị áp bức, bóc lột tàn bạo nên phải vượt lên mọi sợ hãi, cùng anh em đồng chí, đồng bào vừa chiến đấu, vừa sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến chiến đấu giành độc lập tự do”.
Những bức thư của Liệt sỹ Nguyễn Quốc Hùng gửi về gia đình |
Mẹ cho chúng tôi xem những bức thư của con trai Nguyễn Quốc Hùng chưa kịp gửi về cho gia đình. Những lá thư mẹ nhận được từ lòng đất khi đón anh về với mẹ. Mẹ nâng niu từng kỷ vật anh để lại, từng chữ anh viết hỏi thăm cha mẹ và dặn dò các em.
Có một bức thư anh viết về ước mơ được học tập tại Liên Xô nhưng chiến tranh quá khắc nghiệt và tàn nhẫn, anh đã linh cảm phải nằm lại chiến trường. Vuốt ve những dòng chữ, mẹ Thanh không kìm được nước mắt.
Mẹ đã truyền cảm hứng về lòng yêu nước cho các con trai qua công việc đào hầm, nuôi giấu cán bộ hàng ngày. Mặc dù con trai lớn đã hy sinh, mẹ vẫn tiếp tục động viên các con Nguyễn Đình Quang và Nguyễn Đình Hoàn tham gia kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.
Hạnh phúc vỡ òa vào ngày các anh trở về với mẹ bằng xương bằng thịt. Hiện nay, mẹ Lê Thị Thanh đang sống quây quần bên con cháu của mình. Nỗi đau mất mát của mẹ không có ngôn từ nào diễn tả được.
Các phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô và nhóm thiện nguyện Tâm An trao quà động viên Mẹ liệt sỹ Lê Thị Thanh |
Để ghi nhận những công lao to lớn đó, ngày 21/3/2000, mẹ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vì có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 13/3/2024, mẹ Lê Thị Thanh tiếp tục được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.
Mẹ Lê Thị Thanh không chỉ là người mẹ anh hùng của một gia đình mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Câu chuyện của mẹ là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau, nhắc nhở chúng ta về giá trị của độc lập, tự do và lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh cao cả.