Mì Hảo Hạng của Cty cổ phần Thực phẩm Á Châu bị "tố" xâm phạm nhãn hiệu
![]() |
TTTĐ - Đại diện của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) cho biết, doanh nghiệp này đã chính thức khởi kiện CTCP Thực phẩm Á Châu (Asia Food) lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương vì Asia Food đã cho ra sản phẩm mang nhãn hiệu mì Hảo Hạng xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Vina Acecook.
Theo thông tin từ Công ty cổ Phần Acecook Việt Nam, DN này hoạt động theo Giấy phép kinh doanh, chứng nhận lần đầu vào ngày 15/12/1993; Giấy chứng nhận đầu tư số 412032000121; chứng nhận thay đổi lần thứ 12 cấp ngày 25/7/2014, do Ban Quản Lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cấp.
Công ty CP Acecook Việt Nam hiện là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa “Hảo Hảo” số 62360 từ năm 2003 tại Việt Nam cho sản phẩm mì ăn liền thuộc nhóm 30, và đã được gia hạn đến ngày 27/06/2023 theo quyết định gia hạn số 65278/QĐ-SHTT, ngày 15/11/2012.
![]() |
Tuy nhiên, ngày 26/01/2015 vừa qua, Công ty có phát hiện trên thị trường lưu hành loại mì ăn liền do Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods (địa chỉ Số 9/2 đường DT743, khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) sản xuất dưới nhãn hiệu “Hảo Hạng” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo” đã đăng ký độc quyền của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.
Do vậy, Ngày 3/2/2015 Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam đã gửi công văn số:112/2015/AV-HCM về việc “sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu” khuyến cáo và đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods phải chấm dứt việc mua bán, quảng cáo mì Hảo Hạng và có biện pháp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đã đưa ra thị trường.
Phúc đáp công văn này, Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods khẳng định việc sản xuất Hảo Hạng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302 (tại văn bản số:18/15/HCNS-AC ngày 5/2/2015).
Tiếp đó, ngày 13/2/2015 Công ty CP Acecook Việt Nam đã gửi công văn đến Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến. Theo đó, cục đã có Công văn số 1320/SHTT-TTKN kết luận:
“Mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình” của Công ty CP Thực phẩm Á Châu sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 119302) có cách trình bày kiểu chữ “Hảo Hạng”, “Tôm Chua Cay”; đặc biệt là dấu hiệu hình tô mì và sợi mì, hình các con tôm, hình nửa quả chanh cùng các loại rau thơm, hành cùng với tổ hợp màu sắc, đặc biệt màu sắc chủ đạo của bao gói mì là màu đỏ cùng với màu hồng, xanh nước biển, xanh nước biển đậm, xanh nước biển nhạt, xanh lá cây, vàng, vàng nâu, tím, trắng, đen” tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình” được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 62360.
Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ, nhằm để bán các sản phẩm mì ăn liền mang nhãn hiệu như đã nêu mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đúng theo quy định Điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ”.
Trước sự việc trên, đại diện của Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết: “Hành vi của Công ty CP Thực phẩm Á Châu không những xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Công ty chúng tôi, mà còn là hành vi cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…”.
Mới đây, Vina Acecook vừa chính thức khởi kiện CTCP Thực phẩm Á Châu (Asia Food) lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương vì Asia Food đã cho ra sản phẩm mang nhãn hiệu mì Hảo Hạng giống mì Hảo Hảo của Vina Acecook gây nhầm lẫn trên thị trường.
Theo đó, với vai trò nguyên đơn, Vina Acecook khởi kiện Asia Food, yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề: Thứ nhất, xác định hành vi sử dụng mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm Chua Cay và Hình” của Asia Food (bị đơn) là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì Tôm Chua Cay, Hình”, được bảo hộ theo Giấy Chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 62360 của nguyên đơn, và buộc bị đơn chấm dứt hành vi vi phạm. Thứ hai, yêu cầu bị đơn phải đăng báo xin lỗi, cải chính công khai về hành vi vi phạm của mình với nguyên đơn. Thứ ba, yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn với tổng số tiền là 817.500.000 đồng, trong đó, 637.500.000 đồng theo Vina Acecook là lợi nhuận bất chính mà Asia Food thu được từ sản xuất, kinh doanh sản phẩm vi phạm; 100 triệu đồng chi phí Vina Acecook bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của Asia Food gây ra; 80 triệu đồng chi phí Vina Acecook thuê dịch vụ luật sư để tư vấn, giải quyết.
Phía Vina Acecook cho biết họ sẽ không dừng lại và khởi kiện Asia Food đòi bồi thường thiệt hại cũng như công khai xin lỗi dựa trên những cơ sở pháp lí đang có nhằm bảo vệ quyền sở hữu sản phẩm hợp pháp của mình.
Thành Vinh
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

Đẩy mạnh phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo

Gian lận trong đấu thầu, một doanh nghiệp bị phạt 200 triệu đồng

Chuyển đất rừng phòng hộ để làm Cảng thủy nội địa Đông Phong

Nhiều sai phạm tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ III

Hải Dương: Hàng loạt trạm trộn bê tông, asphalt hoạt động không phép
