Một kỳ thi thật nhiều xúc cảm
Hơn 30% thí sinh sẽ theo học ngoài công lập và trường nghề
Năm học 2020 - 2021, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có khoảng 110.759 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở (tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm học 2019 - 2020). Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, dự kiến 62% số học sinh sẽ tuyển vào các trường THPT công lập, 22% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% số học sinh tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và khoảng 8% số học sinh tham gia học nghề.
Thí sinh xem lại kết quả làm bài sau khi thi (Kỳ thì năm học 2018 - 2019) |
Dự kiến, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT khoảng 90.730 học sinh. Trong đó, các trường công lập tuyển 68.670 học sinh, các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển khoảng 24.370 học sinh, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tuyển khoảng 8.860 học viên và khoảng 8.860 học sinh sẽ được tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trước những con số này, nhiều học sinh tỏ ra lo lắng, nhất là trong bối cảnh năm học có 9 tháng thì đến 6 tháng phải học online.
Em Trần Thu Thủy, học sinh lớp 9 tại quận Ba Đình chia sẻ: “Năm nay, em đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Phan Đình Phùng nhưng tỷ lệ chọi trường này tương đối cao. Em thực sự lo lắng vì chỉ được ôn thi online trong khi có quá nhiều điều chỉnh kỳ thi. Đến bây giờ, em cũng chỉ biết cố gắng học ôn thật kỹ”.
Còn em Phùng Lan Anh, học sinh lớp 9 ở quận Thanh Xuân cho biết: “Em đăng ký vào trường THPT Nhân Chính. Năm nay, trường có nhiều thí sinh dự thi, chỉ tiêu chỉ có 595 nhưng có tới 1.336 học sinh đăng ký nguyện vọng 1. Ngay sau khi biết tỷ lệ chọi, em đã rất lo nhưng bây giờ lo cũng chẳng thể làm gì. Trường cũng đã chọn rồi, ngày thi đã định rồi... em phải cố gắng đọc lại toàn bộ kiến thức một lần nữa rồi nghỉ ngơi”.
Bố mẹ đứng ngồi không yên
Có thể nói, năm học 2020 - 2021 là năm mà học sinh 2K6 phải chịu nhiều thiệt thòi với 4 lần dịch bùng phát khiến các em phải học và ôn thi trực tuyến đến 6 tháng. Trước một kỳ thi được đánh giá là tương đối khó, thậm chí khó hơn vào đại học thì điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý và chất lượng học tập của học sinh.
Học sinh trao đổi sau một buổi thi (Ảnh tư liệu) |
Con lo một, bố mẹ lo 10, đó là tâm lý chung của các bậc phụ huynh có con là thí sinh đợt này. Dù rằng họ luôn làm công tác tư tưởng giúp con bình tĩnh, thoải mái tâm trạng nhưng thực sự trong lòng, không ít bậc phụ huynh cũng đang “đứng ngồi không yên” trước kỳ thi.
Chị Nguyễn Thanh Hoài ở quận Ba Đình cho biết: “Từ khi cùng con đăng ký nguyện vọng đến bây giờ, tôi vẫn luôn lo lắng. Tôi lo dịch bệnh, con học online không hiệu quả, đồng thời những thay đổi của kỳ thi khiến các con bị động, tâm lý không vững vàng… Thời gian này, tôi luôn làm công tác tư tưởng cho con yên tâm. Dịch bệnh không thể nói trước được điều gì, thi được thì tốt mà không thi được cũng chẳng sao, miễn là con cố gắng hết sức có thể. Dù thế nhưng trong thâm tâm mình vẫn luôn âm thầm nghĩ ngợi cho các phương án đỗ và không đỗ vào lớp 10 của con”.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, sắp đến ngày thi, bây giờ lo lắng cũng không giải quyết vấn đề gì nên cứ chăm sóc tốt và động viên để con vững tinh thần bước vào kỳ thi. Trong những ngày này, phần lớn cha mẹ ở nhà nhiều hơn, làm mọi việc từ chăm sóc dinh dưỡng đến đồng hành, lắng nghe con chia sẻ, từ đó động viên để con bình tĩnh, tự tin vào bản thân.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, lo lắng cho kỳ thi là điều bình thường mà học sinh nào cũng trải qua. Tuy nhiên, lo lắng để có động cơ chuẩn bị học bài kỹ càng khác sự lo lắng thái quá dẫn đến căng thẳng không cần thiết. Vì vậy, các thí sinh nên gạt bỏ mọi lo âu để có tinh thần lạc quan, vui vẻ trước khi bước vào thi.
Đặc biệt, trong giai đoạn gần thi, phụ huynh cần chủ động giúp con em mình, hạn chế tối đa việc la mắng hoặc sai vặt để con tập trung tâm trí cho việc học hành.