Một năm biến động nhưng đầy kiên cường, bất khuất
Có một Hà Nội kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình như thế... “Lá chắn xanh” kiên cường ngăn chặn dịch bệnh |
Những tia sáng từ trong “bóng tối”
Trong 4 tháng (từ ngày 30/5 đến 30/9/2021), tiếng xe cứu thương như nỗi ám ảnh kinh hoàng bao trùm mọi ngõ ngách; Mọi hoạt động thường ngày sôi nổi của một thành phố có nền kinh tế - xã hội sôi động nhất nước đã bị thay thế bởi sự tất bật, hối hả của cả hệ thống y tế và lực lượng tuyến đầu chạy đua từng giờ, từng giây phút để đảm bảo sinh mạng cho người dân.
Hầu như cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội phải huy động để tập trung, ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch. Phần lớn hoạt động kinh tế đều tê liệt, nhịp sống đô thị hoàn toàn bị đảo lộn. Thành phố phải chịu sự ngăn cách bởi rào chắn, điểm chốt do giãn cách xã hội. Trong đó có cả những nốt trầm khi thành phố phải chịu đựng nhiều đau thương, mất mát, chia ly. Kéo theo đó là vô vàn khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm, nhiều chỉ tiêu quan trọng phải bỏ lỡ.
Tuy nhiên, với tất cả nỗ lực, TP Hồ Chí Minh không chỉ bước đầu kiểm soát được dịch mà còn từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
TP Hồ Chí Minh quyết tâm tạo đột phá phát triển trong năm 2022 |
Điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố tăng trưởng đạt 5,99%, nhưng từ quý III thì sụt giảm mạnh. Tính chung cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế thành phố giảm, âm 6,78% - đây được xem là mức suy giảm chưa từng xảy ra trong 35 năm qua của thành phố. Tuy nhiên, trong bóng tối của đại dịch, TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực.
Cụ thể, lĩnh vực tài chính, tín dụng - ngân hàng - thị trường chứng khoán: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm, đóng góp lớn cho tăng thu ngân sách Nhà nước. Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.
Chỉ số VN-INDEX vượt mốc 1500 điểm, nhiều phiên có giá trị giao dịch kỷ lục, khối lượng niêm yết tăng hơn 16%, giá trị chứng khoán niêm yết tăng trên 15%.
Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Như ngành Thông tin và Truyền thông tăng 6,08%, ngành Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 8,16%, hoạt động khoa học và công nghệ tăng 3,8%, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 24,9% so với cùng kỳ,…
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, ước khoảng 11 - 15%, đạt khoảng 5,8 - 6 tỷ USD.
Tiêu biểu trong năm 2021 phải kể đến việc TP Thủ Đức chính thức được thành lập - mô hình thành phố trong lòng thành phố. Nơi đây được xem là tiềm năng phát triển nhiều loại hình kinh tế, đặc biệt là các khu đô thị sáng tạo, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tri thức gắn với môi trường thân thiện. TP Thủ Đức sẽ trở thành nơi chuyển giao những công nghệ mới với các sản phẩm công nghệ 4.0 không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung…
Cả nước chung tay, thắm nghĩa đồng bào
Để có được những kết quả ấn tượng trong bối cảnh vô vàn khó khăn, ngoài sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân thành phố, còn có cả sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương; sự ủng hộ từ các địa phương, và sự sẻ chia từ trong và ngoài nước.
Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: “Toàn Đảng, chính quyền và Nhân dân quyết tâm khôi phục nền kinh tế trở lại quỹ đạo trong năm 2022” |
Từ thời điểm dịch bùng phát mạnh, các gói hỗ trợ của Chính phủ đã nhanh chóng được kích hoạt hiệu quả. Tạm bỏ qua những hạn chế, tồn tại, ánh lên là hình ảnh những chiến sĩ áo trắng nhiệt huyết, từ khắp nơi lên đường ngày đêm chi viện cho TP Hồ Chí Minh; Sự “đáng yêu” của những chú bộ đội tận tình lựa chọn từng món hàng thiết yếu, bó rau, con cá khi đi chợ hộ và tận tay mang đến cho người dân; Hình ảnh những chiếc áo xanh tình nguyện tất bật tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Rồi các chiến sĩ cảnh sát cơ động, công an… đi đến tận các ngõ ngách để trao các phần quà, túi an sinh, giúp đỡ người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội... Tất cả thắm lên nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, cả nước vì TP Hồ Chí Minh thân yêu.
Rồi những trạm oxy lưu động chạy ngược xuôi bất kể ngày đêm để cứu sống biết bao trường hợp nguy cấp, hay những ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM F0 tình nguyện, siêu thị 0 đồng… cũng được nhiều mạnh thường quân, các tổ chức trong và ngoài nước đứng ra chung tay san sẻ với người dân thành phố.
Để rồi từ chính trong tâm dịch còn đầy rẫy những hiểm nguy, chúng ta lại được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người, dù cho trước đó họ chỉ là người dưng, chẳng hề thân quen, nhưng lại sẵn sàng sát cánh, hy sinh nhiều thứ quý giá để cứu trợ, chung sức lúc thành phố đang rất nguy nan cần. Tất cả đã gây sự xúc động mạnh và tạo nên niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp.
Khi hoàn thành nhiệm vụ và rời xa thành phố, với mỗi nhân viên y tế, mỗi chiến sĩ, cán bộ từ khắp mọi miền tổ quốc đã coi quãng thời gian tham gia chống dịch tại Sài Gòn như là một kỉ niệm đặc biệt và đầy ý nghĩa. Trên hành trang trở về ấy, có biết bao lá thư, bao trái tim luôn thầm cảm ơn những con người với tấm lòng cao cả.
Du lịch TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đại dịch (Ảnh: Khu du lịch Cần Giờ) |
Đứng lên, xây dựng, đột phá, phát triển
TP Hồ Chí Minh chọn chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Với chủ đề này, thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp, nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội.
Thành phố cũng đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó đáng lưu ý như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6 - 6,5%; Duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; Phấn đấu trong năm 2022, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố chiếm bình quân khoảng 35% GRDP… Đặc biệt, Quốc hội cũng thông qua mức ngân sách giữ lại của TP Hồ Chí Minh năm 2022 là 21%, đây cũng là điều kiện cần để TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phục hồi, đột phá và phát triển.
Để hiện thức hóa những chỉ tiêu trên, TP Hồ Chí Minh cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đáng lưu ý, ngoài việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, thành phố còn chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi |
“Thực tiễn cho thấy, tổng thể kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn thành phố cần đặc biệt quan tâm: Vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; Từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai. Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TP Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 6,78%, vì vậy toàn Đảng, chính quyền và Nhân dân quyết tâm khôi phục nền kinh tế trở lại quỹ đạo trong năm 2022.
“Năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung khắc phục việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công; Tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị nhằm đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế…”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.