Một sự thật lịch sử
- Thưa ông Trần Đăng Khoa! Ông đã từng viết không chỉ một lần, mà đến dăm bảy lần về việc người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh và lần nào ông cũng hy vọng “Đây là lần cuối cùng”…
- Đúng vậy. Vấn đề của Sự thật 30/4 thì cả ba bộ phim trước, đặc biệt là phim Nhân chứng thứ Ba đều đã đề cập rồi, nhưng bộ phim này tập trung hơn về người thảo văn bản cho Tổng thống Dương Văn Minh và lại có thêm rất nhiều tình tiết mới đầy sức thuyết phục. Cả bộ phim chỉ chứng minh và khẳng định ông Phạm Xuân Thệ không liên quan gì đến việc soạn thảo văn bản đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Vậy những người làm phim căn cứ vào đâu:
Trước hết là nhân chứng. Đó là những người ở trong Dinh Độc lập và vào Dinh Độc Lập. Đặc biệt, phim được thực hiện dựa vào sự thật của bộ chính sử Lịch sử Nam bộ kháng chiến cùng nhiều tư liệu khác rất quý. Cũng quyết liệt như bộ phim Người lính xe tăng 390 ngày ấy cách đây hơn 25 năm, song lần này tâm nguyện của Nhà báo - NSƯT Phạm Việt Tùng không chỉ dừng lại ở câu trả lời chính xác cho nghi vấn: Ai đã thảo thư đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 mà còn là lời tạ lỗi với người chính ủy xe tăng đã bị lãng quên cho đến tận hôm nay.
Có lẽ nhiều người biết đến bộ phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy”, nói về những chiến sĩ trên chiếc xe tăng thực sự đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trong buổi trưa 30/4/1975 . Nói “thực sự” là bởi trước đó đã có những điều tưởng vậy mà không phải vậy. Và sự nhầm lẫn ấy đã ngủ yên suốt 20 năm, cho đến khi được “người chép sử bằng hình” Phạm Việt Tùng đánh thức. Cũng từ đây, nhà làm phim đã phát hiện thêm nhiều thông tin lịch sử cần được kiểm chứng lại và khởi đầu cuộc hành trình mới cho sự thật, vì sự thật.
Thông qua những nhân chứng còn sống, những thước phim tư liệu quý giá vào ngày kết thúc chiến tranh của nhiều nhà báo trong và ngoài nước, những cuộc điều tra công phu, những bài phóng sự của nhiều đài báo lớn, có uy tín; đặc biệt là bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến và tác phẩm “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0” của cố nhà báo Borries Gallasch, NSƯT Phạm Việt Tùng và ê kíp của ông đã đưa người xem đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Nhà báo Tây Ban Nha Borries Gallasch ngồi cạnh ông Dương Văn Minh để chuẩn bị ghi âm lời tuyên bố đầu hàng |
Một trong những chứng cứ “không thể chối cãi” khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ như ông vẫn mạo nhận, đó là: bản viết tay do chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo (đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng) và Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm rồi phát trên Đài phát thanh Sài Gòn khớp từng chữ với đoạn băng cassette mà nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã ngồi tại nhà ghi lại được qua sóng phát thanh thời khắc lịch sử đó. Bản ông Thệ nói thì khác xa văn bản ghi âm. Xem phim chúng ta chứng kiến ông Thệ nói, xem cả chữ ghi từ lời ông và đối chiếu băng phát trên đài. Ông bảo chính quyền buông vũ khí… Sao lại chính quyền buông vũ khí? Bản viết của ông Tùng rất rành mạch: “Quân đội buông vũ khí. Chỉnh quyền giải thể từ trung ương đến địa phương”. Rất chuẩn. Ông Thệ còn bảo đại ý rằng ông giao cho ông Tùng viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng. Liệu có cấp dưới nào lại lệnh cho cấp trên, giao nhiệm vụ cho cấp trên làm điều nọ điều kia không? Làm gì có chuyện ngược đời ấy. Điều đó chứng tỏ ông Thệ đã bịa đặt và nói như ông Việt Tùng là “ăn gian”.
Những thước phim tư liệu điều tra còn hé lộ những sự thật khác. Theo bộ phim, hóa ra người vào Dinh Độc Lập trước tiên và “dồn nội các Dương Văn Minh vào góc phòng” là chính trị viên đại đội 4 Vũ Đăng Toàn, trưởng xe tăng 390 chứ không phải đại úy Phạm Xuân Thệ. Nguyên văn lời kể của ông Vũ Đăng Toàn: “Khi xe tăng chúng tôi dừng trước thềm dinh, quay lại thấy đại đội trưởng Thận ôm cờ chạy vào, tôi vơ thêm khẩu AK, xuống xe hỗ trợ. Khi chúng tôi đến đầu nhà thì có người đứng chặn lại và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc". Do có người đã chỉ đường cho anh Thận lên nóc dinh cắm cờ, tôi theo ông Nguyễn Hữu Hạnh vào bên trong”.
Theo ông Toàn thì lúc bấy giờ có hơn 50 người đã tập trung hết vào phòng khánh tiết, ông Hạnh sang phòng phía sau mời ông Dương Văn Minh lên: “Sau đó thì xuất hiện một người lính, anh ta đến gần ông Minh, nói: “Báo cáo tổng thống Dương Văn Minh, tôi là Phạm Xuân Thệ, đại úy, phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 bộ binh”… Trong lúc cả tôi và anh Thệ còn chưa biết phải làm gì tiếp theo thì chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện…”. Việc “Báo cáo” của ông Thệ rất buồn cười.
Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Galllasch tại dinh độc lập ngày 20/4/1975 |
Như thế thì còn đâu là tư thế của người chiến thắng. Lời kể của ông Toàn trùng khớp với những tài liệu, chứng cứ mà nhóm làm phim có được. Nó hoàn toàn khác với những gì ông Phạm Xuân Thệ kể với báo chí về buổi trưa 30/4/1975 lịch sử ấy. Theo ông Thệ, ông không hề biết chính ủy Bùi Văn Tùng là ai, mãi đến khi sang Đài Phát thanh, khi ông Thệ đang soạn thảo thư đầu hàng cho Dương Văn Minh thì ông Bùi Văn Tùng mới xuất hiện. Ông Thệ kể: “Trong ba mươi phút ở đài phát thanh, chúng tôi đang soạn thảo lời tuyên bố hàng thì anh Bùi Tùng mới đến, đứng trước mặt tôi hỏi: Anh là ai?. Tôi mới nói là: Tôi là Phạm Xuân Thệ, đoàn phó đoàn đoàn Đông Sơn. Anh Bùi Tùng mới nói là: Tôi là Bùi Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Bấy giờ chúng tôi mới biết anh Bùi Tùng và anh Bùi Tùng mới biết tôi”.
Lời ông Thệ bị đặt dấu hỏi về độ trung thực khi NSƯT Phạm Việt Tùng tìm được một cuốn phim ghi lại cảnh quân giải phóng đưa tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập sang Đài Phát thanh. Trong phim, ông Thệ đi phía trái hơi chếch về trước, còn Bùi Văn Tùng đi bên tay phải ông Minh, khoảng cách giữa ông Thệ với ông Tùng chỉ vài bước chân. Đoạn quay này lại liền máy nên không thể nói là cấy ghép.
Năm 2010, cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0 của nhà báo Tây Đức Borries Gallasch đã được xuất bản tại Việt Nam. Ngay năm sau, bộ chính sử Lịch sử Nam bộ kháng chiến cũng hoàn thành. Cả hai cuốn sách đều khẳng định ông Bùi Văn Tùng chính là người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ. “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” là bộ chính sử, một công trình khoa học cấp nhà nước, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trương. Bộ sách do Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, nhà báo, nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng làm chủ biên. Trong Lời giới thiệu ở những trang đầu cuốn sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: “Tôi rất vinh dự viết Lời giới thiệu cho bộ sách quý "Lịch sử Nam Bộ kháng chiến" - một công trình khoa học đồ sộ”. Tham gia có rất nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Đó là các đồng chí: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng bộ Nội vụ Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy tp HCM Võ Trần Trí. Đồng chí Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Quân đội có đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên T.Ư Đảng và rất nhiều các vị chính khách danh tiếng.
Trong cuốn chính sử quan trọng này, không có một chữ nào nói ông Thệ soạn thảo văn bản đầu hàng cho Dương văn Minh mà chỉ khẳng định người thảo văn bản là ông Bùi Văn Tùng. Ông Thệ chỉ đưa ông Minh ra đài phát thanh. Nội dung trong chính sử là thế và tất cả chỉ có thế. Cũng có thể xem đó như là kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về sự kiện lịch sử này. Bộ chính sử đã được Nhà Xuất bản Sự thật chính trị Quốc gia xuất bản từ năm 2010. Không có cớ gì mà đến tận hôm nay, ông Trung tướng Trịnh Văn Quyết lại nói ngược lại. Nhân đây, tôi thiết tha đề nghị Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị có kết luận rõ ràng về người thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, căn cứ vào bộ chính sử “Nam bộ Kháng chiến” theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, để chấm dứt những cuộc tranh cãi không cần thiết.