Một thoáng Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm |
- Chú Khoa ơi, chú Cầm đi đột ngột quá. Cháu không thể tưởng tượng được…
Trần Thị Quy
(bimtocmongmo@...com)
- Đúng thế. Chú cũng bất ngờ. Hội Nhà văn mất nhiều nhà văn quá. Mà toàn là những tài năng thực sự. Tháng trước chúng ta mất nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Anh Thiệp mất, ta không bất ngờ. Vì anh ốm lâu rồi. Nằm bệt lâu rồi. Còn anh Cầm thì thì rất bình thường, chỉ gày loẻo khoẻo. Anh ấy còn nhận lời đi nói chuyện cùng nhà thơ Vương Trọng với bộ đội ở Ninh Bình do Thư viện Quân đội tổ chức. Anh ấy còn tham gia chương trình với Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng đến giờ lên sóng, không thấy “bác sĩ Hoa súng” đâu cả. Phóng viên điện về nhà mới hay anh đã ra đi. Anh ấy vẫn bị bệnh phổi. Phổi yếu. Có lẽ do tắc nghẽn gì đó mà ra đi rất đột ngột…
- Chú có những kỷ niệm gì với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không?
Vũ thị Duyên
(duyen2004@...com)
- Chú cũng hay đi nói chuyện cùng chú Cầm, do thư viện Quân đội tổ chức. Hai anh em bổ sung cho nhau nên người nghe không tẻ. Chú cứ rủ rỉ nói, thỉnh thoảng chọc cười cho người nghe đỡ buồn ngủ, nên chẳng mệt mỏi gì. Còn chú Cầm đọc thơ, nói chuyện thơ như biểu diễn nhạc rock ấy. Cảm giác như chú ấy xổ hết cả gan ruột, hơi sức ra cùng câu thơ, cùng châu chuyện. Nói xong ngồi thở dốc. Chú ấy nói như để rồi chết, nên vất vả lắm. Cũng chính vì thế, chuyện chú Cầm rất hấp dẫn. Chú ấy dựng cả hội trường dậy.
- Chú đã đi nói chuyện, đọc thơ từ bé, cũng đã biết cách nói chuyện của chú Cầm, mà nhiều khi vẫn ngạc nhiên vì cách ứng xử rất thông minh, đầy bất ngờ. Hồi chú còn làm quản lý ở Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh của chú có dựng vở kịch về tệ nạn HIV. Cách dàn dựng rất mới. Nó không giống kịch truyền thống. Kịch chỉ có 15 phút, lại diễn ra ở ba địa điểm khác nhau: Một thành phố trung tâm. Một làng quê. Và một ở vùng miền núi hẻo lánh. Mỗi địa điểm chỉ có 5 phút. Không có dẫn dắt. Tất cả chỉ có đối thoại. Qua đối thoại mà biết câu chuyện. Biết địa điểm. Biết cả nhân vật và số phận của từng nhân vật. Sau vở kịch là phần bình luận: Phía sau sân khấu. Cũng dài bằng thời lượng kịch. Nghĩa là cũng chỉ có 15 phút.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thân thiết với nhà thơ Trần Đăng Khoa |
- Phần này do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nghệ sĩ Minh Vượng đặc trách. Đây là phần phụ nhưng lại rất quan trọng, vì nó làm sáng tỏ vở kịch. Nó sũng bổ sung cho kịch. Nhiều khán giả lại thích phần sau hơn. Có khán giả cho rằng phần sau kịch lại hay hơn kịch. Phần này chỉ có chú Cầm và cô Vượng diễn. Một loại kịch không kịch bản. Nó như kịch cương. Diễn ngẫu hứng mà đầy bất ngờ. Rất thú vị. Chú cũng tham gia nhiều cuộc “diễn” như thế với chú Cầm, như các chương trình: “Khách đến chơi nhà”. Trong đó có chương trình nhiều người rất thích như “Chính sách trên trời – Rối bời dưới đất”, phê phán những ông đưa ra bao nhiêu kế sách mà toàn chuyện viển vông, chẳng có cơ sở thực tiễn nào mà thực hiện, biến nó thành cuộc sống.
-Chú thấy thơ chú Hoàng Nhuận Cầm thế nào?
Lê Thị Vi
(levi@...com)
- Chú Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng từ những năm chống Mỹ cứu nước. Năm 1972-1973, chú ấy đã đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Nhật ký chiến trường, Nghe tiếng chim trên điểm chốt…Thơ chú Cầm rất đẹp. Trong veo. Chú ấy là người lính trận nhưng lại mang tâm hồn trong trẻo và tươi mát của trẻ thơ. Chú Cầm đem cái chất trẻ thơ đó ra mặt trận. Và chính cái chất trẻ thơ đó đã làm nên Hoàng Nhuận Cầm. Chúng ta đã từng gặp những người lính trong thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, và nhiều thi sĩ khác nữa. Đấy là những người lính bụi bặm, gân guốc, từng trải và vật vã với rất nhiều nỗi niềm tâm trạng khi ra trận:
Chiến dịch này ăn cơm không phải độn
Mừng thì mừng nhưng thương mẹ bao nhiêu.
Người lính của chú Cầm lại ra trận lúc mùa ve đang kêu. Họ nghe tiếng ve nhiều hơn tiếng súng.
Trong những ba-lô kia, ai dám bảo là không có
Một hai ba giọng hát chú ve kim.
Những người lính ấy khi đi trong rừng thì lập tức cánh rừng nhuốm màu Grim và biến thành cánh rừng cổ tích:
Những cây nấm nâu màu nâu già
Tự dưng thức dậy bên vòm lá
Những bông hoa chưa có tên hoa
Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng
Rừng đâu chỉ có giọng chim lạ
Còn có tiếng nhạc trên cổ la.
- Và ngay cả khi giáp trận rồi, súng đã nổ rồi, ngồi trong hầm chốt, nhưng người lính vẫn Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm. Và rồi cứ bằng cái giọng điệu tưng bừng, vui vẻ của chim, của ve, của những con la như thế, chú Cầm đã phản ánh được một hiện thực nghiệt ngã này: Dân tộc Việt Nam đã gồng mình lên chống trả một kẻ thù không cân sức. Dân tộc ấy đã ra trận đến lớp người cuối cùng. Người lính trong thơ chú Cầm thực chất là học trò cầm súng, ở họ còn in đậm tính nết trẻ con. Vì thế, có lần chú đã ví: Thơ chú Cầm là vẻ đẹp của những làn sương mỏng bay trên thảm cỏ ban mai. Nó tươi mát, trong lành, rất thích hợp với độc giả ở tầng lớp học sinh, sinh viên. Chú Cầm là cây bút đa tài. Ngoài thơ chú còn viết kịch bản phim và trực tiếp đóng phim. Chú ấy tham gia nhiều bộ phim rất nổi tiếng như Đêm hội Long Trì, Mùi cỏ cháy, Số đỏ…
- Cháu được biết Hội Nhà văn sẽ đứng ra tổ chức lễ tang cho chú Hoàng Nhuận Cầm…
Hà Trang
(trangha2015@...com)
- Đúng vậy. Theo quy chế mới của Hội Nhà văn, Hội chỉ tổ chức tang lễ cho những nhà văn đã từng làm công tác ở cơ quan Hội, những nhà văn ở Ban Chấp hành và là Lãnh đạo Hội. Còn các nhà văn Hội viên ở các cơ quan nào thì cơ quan ấy là chủ tang. Hội Nhà văn chỉ tổ chức đoàn viếng. Chú Cầm ở Hội Điện ảnh và Hãng phim truyện. Nhưng Hội đó hiện vẫn chưa bầu được Lãnh đạo, vì thế, theo nguyện vọng của gia đình, Hội Nhà văn sẽ làm Chủ tang, sẽ tổ chức chu đáo đám tang cho chú Cầm, như Hội đã tổ chức đám tang chu đáo cho chú Nguyễn Huy Thiệp. Dự kiến lúc đầu, Hội cử nhà thơ Hữu Việt viết điếu văn và đọc điếu văn. Chú Nguyễn Quang Thiều Chú tịch sẽ phát biểu thay mặt các nhà văn tiễn đưa chú Cầm về cõi vĩnh hằng. Hội muốn thay đổi cho đa dạng. Vì chú Việt rất thân với chú Cầm, cũng rất hiểu chú Cầm. Các Lãnh đạo Hội ở trong Ban Chấp hành sẽ luôn thay nhau làm việc hiếu cho đa dạng và luôn mới mẻ. Nhưng lịch trình đến phút chót lại thay đổi. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều sẽ đọc điếu văn. Trong giây phút cuối cùng, khi mọi người đi quanh linh cữu, sẽ nghe thơ chú Cầm. Bài Chiếc lá đầu tiên. Đây là bài thơ đúng chất chú Cầm nhất. Chú tiếc không dự được lễ tang này vì phải đi công tác Nghệ An, Hà Tĩnh. Xin chia sẻ nỗi đau thương với gia đình nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và các bạn đọc yêu mến nhà thơ. Xin các bạn hãy cùng tôi đọc lại một bài thơ rất tiêu biểu của nhà thơ mà chúng ta vô cùng yêu quý: CHIẾC LÁ ĐẦU TIÊN
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Lời hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi
“Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy!”
Mười chú chứ, nhìn xem, trong lớp ấy
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm
Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
Bài thơ này lúc đầu được tác giả đặt tên là Trường ơi, chào nhé. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Hoàng Nhuận Cầm…