Mức hưởng BHYT hộ nghèo khi khám chữa bệnh tại nơi tạm trú
Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được phát BHYT miễn phí, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm Y tế huyện thuộc tỉnh Hưng Yên. Mới đây, tôi xin được một việc làm thuê tại Hà Nội và được chủ nhà đăng ký tạm trú. Vậy, khi tôi đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở nơi tạm trú thì có được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh không?
Chị Nguyễn Thị Liên (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội)
Liên quan đến vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế thì trường hợp trên nếu có đăng ký tạm trú tại thành phố Hà Nội, khi đi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT thì xác định là đúng tuyến.
Ảnh minh họa |
Tại Công văn số 627/BYT-BH ngày 27/1/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Điều 22 Luật BHYT như sau:
- Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến;
- Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT trong phạm vi cả nước: Được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Như vậy, trường hợp trên khi đi khám chữa bệnh BHYT trái tuyến tại các bệnh viện ở thành phố Hà Nội, đối với các bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú theo mức hưởng ghi trên thẻ BHYT như đi khám chữa bệnh đúng tuyến; Tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú theo mức hưởng như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.