Năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam mua sắm trực tuyến
Ước tính đến năm 2020, mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng, cao gấp hơn 2 lần năm 2015 và trong 5 năm tới sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia vào các giao dịch trực tuyến qua mạng và doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Đây là những thông tin đáng chú ý được đưa ra trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2020 doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng sẽ tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ước tính, mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng, gấp hơn 2 lần năm 2015.
Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thu Thủy, Quản lý cấp cao của Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng – Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhận định, thương mại điện tử ở Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, khi thế hệ trẻ chiếm 1/3 tổng dân số. Tầng lớp trung lưu tăng lên 33 triệu người vào 2020.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có tới 50% người sử dụng điện thoại thông minh ở khu vực thành thị có thực hiện các hoạt động liên quan đến mua sắm trực tuyến trên điện thoại di động. “92% người sử dụng internet tại TP HCM và Hà Nội mua sắm trực tuyến. Lứa tuổi từ 21-34 là đối tượng sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất. Đấy là những xu hướng tiêu dùng hiện nay, đây cũng là cơ hội thương mại điện tử phát triển. Doanh nghiệp kinh doanh trên mạng cần gia tăng gắn bó mật thiết với người tiêu dùng nhưng cũng phải đảm bảo niềm tin và phải đảm bảo trang mạng dễ tìm kiếm”, bà Thủy khuyến cáo.
Để tạo điều kiện cho mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt kế hoạch và xây dựng hệ thống thanh toán mạng lưới dịch vụ vận chuyển giao nhận và hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử bao phủ các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cuả Bộ Công Thương, doanh số thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (mua bán theo giao thức B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cục cũng dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh, giao dịch thương mại điện tử B2B chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.
Cũng có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho hay, “Ngày mua sắm trực tuyến 2016 - Online Friday” đã thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia, với 50.000 sản phẩm khuyến mãi được Ban tổ chức đảm bảo.