Nắm chắc tình hình, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát hàng ngày, hàng giờ
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hài hòa với chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Áp lực điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới là rất lớn |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có vai trò hết sức quan trọng. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều nay (6/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ xác định "4 ổn định" bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn là mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt; theo đó, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả. Do đó các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình, dự báo sát diễn biến, phản ứng chính sách phải nhanh. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát" hàng ngày, hàng giờ".
Quang cảnh phiên họp |
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3/8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, gồm mục tiêu xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Theo Thủ tướng, những thành tựu này có đóng góp của việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh của thị trường tài chính, với nhiều kết quả vượt bậc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thị trường dịch vụ ngân hàng có bước tiến nhanh, bám sát sự phát triển của thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong bối cảnh một nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi.
Theo đó, tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận các sản phẩm tài chính khá dễ dàng, nhưng một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn và hạn chế về tiếp cận tài chính; tình trạng tín dụng đen còn tồn tại gây bức xúc xã hội; chính sách tài chính toàn diện bao phủ nhiều ngành nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa phát huy được hết sự đồng bộ và hiệu quả….
Trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149 năm 2020 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc ban hành chiến lược này thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hướng tới bền vững trong dài hạn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Phiên họp tập trung xem xét, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược thời gian qua, những việc đã làm được, chưa làm được; cập nhật tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.